Một kiến nghị xác đáng của công dân Đông Thọ (
https://www.facebook.com/share/p/1CS3tj7bQ2/?mibextid=wwXIfr). Người viết am hiểu lịch sử, văn hoá, địa lý và sự tìm tòi công phu. Mặc dù tp đã chốt phương án nhưng còn nước còn tát, tôi đăng bài mong lãnh đạo xem xét. Thiệu Dương, Thiệu Khánh không thể bị chia tách và phải gắn liền với cái tên Tư Phố hoặc Dương Xá:
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Về việc sáp nhập và đặt tên các phường thuộc Thành phố Thanh Hoá.
Với tư cách là người con của Thành phố Thanh Hoá tôi kiến nghị, góp ý về việc phân chia, sáp nhập địa giới hành chính cấp xã phường đối với Thành phố Thanh Hoá như sau :
Phân chia ranh giới hành chính cấp xã (phường của Tp Thanh Hoá) gồm 7 phường; tổng diện tích khoảng 234 km2; dân số khoảng 615 ngàn người. Tức bình quân mỗi phường có diện tích tương đương 33,43 km2; dân số khoảng 87 ngàn người; (Theo nguồn Wikimedia, mạng Intenet - Nguồn: Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15,[3] Phương án số 25/PA-UBND[11]; bổ sung thêm thông tin của xã Thiệu Giao)
Chọn 5 tiêu chí đặt ra theo thứ tự ưu tiên trước sau để phân chia ghép địa giới hành chính các Phường :
- Sự liên kết truyền thống lịch sử văn hoá, tập quán sinh hoạt đời sống, ngành nghề truyền thống của những vùng đất, địa phương;
- Quy mô dân số;
- Quy mô diện tích;
- Hình dáng chiều kích của vùng đất, liên quan đến sự thuận tiện cho giao thông đi lại, giao dịch của người dân đến trung tâm hành chính của phường;
- Và các điều kiện khác.
I. Phường Hàm Rồng :
Phường Hàm Rồng mới có diện tích 28,04km2, 89.596 người; bao gồm : Long Anh (5,64km2; 9.634 người); Tào Xuyên (5,69km2, 12.483 người); Hàm Rồng (4,31km2, 6.967 người); Đông Cương (6,54km2, 14.351 người); Nam Ngạn (2,57km2, 18.064 người) và Đông Thọ (3,29km2, 28.097 người). Vì tiêu chí quy mô dân số, diện tích nên lấy toàn bộ phường Đông Thọ, chỉ cắt một phần nhỏ khu Làng Hạc, Đông Bắc ga sang phường Thọ Hạc.
Tên Hàm Rồng gắn liền với địa danh cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã tại phía Bắc Thành phố; cái tên được lựa chọn ngay từ đầu.
Nên ghép những vùng đất, người dân liên quan trực tiếp, mật thiết đến cầu Hàm Rồng. Trong cuộc chiến chống phá hoại của Mỹ nhân dân hai bên bờ sông Mã trọng phạm vi bán kính khoảng 2,0km chắc chắn là những người, vùng đất chứng kiến, tham gia. Lịch sử đã ghi lại, đó là những trận địa pháo cao xạ trên đồi C4, đồi Quyết Thắng, là Nhân dân, dân quân phường Nam Ngạn, xã Đông Cương, làng cổ Đông Sơn, … (bờ Nam sông Mã thuộc xã Đông Cương, Nam Ngạn); và Nhân dân, dân quân tự vệ thuộc các xã Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Lý, …( thuộc bờ Bắc sông Mã, núi Ngọc, cầu Tào Xuyên);
Sự liên kết, giao thương giữa bờ Bắc (xã Hoằng Long, Hoằng Anh, Tào Xuyên) với bờ Nam sông Mã (phường Hàm Rồng, Đông Thọ, Nam Ngạn) lâu nay thông qua 2 cây cầu Hàm Rồng và Hoằng Long trở nên thuận tiện, gần gũi hơn bao giờ hết. Tôi tin chắc rằng đi từ Tào Xuyên, Long Anh sang phường Hàm Rồng, Đông Thọ, Điện Biên để làm việc, kinh doanh còn dễ dàng, thuận tiện hơn khi đi sang Hoằng Quang, Hoằng Đại dọc theo đê sông Mã.
Phương án ghép các xã phường Thiệu Dương, Thiệu Vân, Thiệu Khánh,… (khu vực núi Đọ - Tây Bắc thành phố) vào phường Hàm Rồng là khiên cưỡng, cơ học và xa ngái về địa lý; không ăn nhập về không gian văn hoá lịch sử. Khu vực Hàm Rồng là một địa chỉ gắn với các chứng tích về lịch sử hiện đại, thời kỳ chiến tranh 1960 - 1970; Khu vực Núi Đọ - Thiệu Dương, Thiệu Khánh là một vùng gắn với lịch sử khảo cổ về nền văn minh đồ đá, thời kỳ sơ khai; và đây là nơi xuất phát những cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ giúp Ngô Quyền lập nên nền độc lập lâu dài cho nước nhà những năm 930.
II. Phường Thọ Hạc :
Phường Thọ Hạc mới có diện tích 7,49km2, dân số 127.063 người, bao gồm các phường : Ba Đình (0,70 Km2, 16.721 người); Điện Biên (0,68km2, 15.641 người); Lam Sơn (0,93km2, 16.319 người); Ngọc Trạo (0,54km2, 14.236 người); Phú Sơn (2,70km2, 33.359 người); Trường Thi (0,86km2, 22.634 người); Tây Nam Đông Thọ (0,32km2, 2.694 người); Bắc An Hưng (0,34km2, 812 người) và Bắc Quảng Thắng (0,43km2, 4.647 người)
Tên phường gắn liền với địa danh lịch sử của làng Thọ Hạc là trung tâm của tỉnh lỵ Thanh Hoá. Thời nhà Nguyễn đã di dời từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương đến xã Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn, sau là thị xã Thanh Hoá, và nay là Tp Thanh Hoá; Cái tên này (Thọ Hạc) nên được chọn ngay từ đầu vì yếu tố lịch sử, truyền thống văn hoá của vùng đất Đông Sơn xưa.
Gần đây người ta chọn, nói nhiều về cái tên Hạc Thành. Thực chất Hạc Thành không phải tên địa danh lịch sử mà chỉ là tên gọi của cái thành mới (trụ sở hành chính của tỉnh lỵ) xây dựng trên khu đất xã Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn (nay là Tp Thanh Hoá)
Đây là phường trung tâm, lõi cũ của Tp Thanh Hoá và vì tiêu chí quy mô dân số, diện tích nên lấy toàn bộ các phường lõi cũ và thêm một phần phường Đông Thọ, khu vực gần ga Thanh Hoá và Làng Hạc (làng cổ của xã Thọ Hạc) giới hạn bởi đường Dương Đình Nghệ và phía Tây Bà Triệu; và bổ sung một phần nhỏ diện tích của phường An Hưng, Quảng Thắng;
Là phường đặc thù, đặc biệt, vì lý do lịch sử là lõi của Trung tâm Thành phố nên sẽ mất cân đối về mật độ dân số, diện tích so với các phường còn lại - nên chấp nhận thực tế. Có thể xem xét bổ sung thêm diện tích bằng cách điều chỉnh địa giới một số phường xã lân cận có điều kiện thuận tiện về địa lý, truyền thống sinh hoạt văn hoá của Nhân dân.
Ghí chú : Gia đình tôi đang sinh sống tại phường Đông Thọ, nhưng khi sáp nhập sẽ thuộc phường Hàm Rồng.
III. Phường Lễ Môn (tạm gọi)
Phường Lễ Môn có diện tich 34,38km2, dân số 91.412 người, bao gồm các phường : Đông Sơn (1,0km2, 15.621 người); Hoằng Đại (4,67km2, 7.491 người); Hoằng Quang (6,3km2, 8.954 người); Quảng Phú (6,51km2, 10.380 người); Quảng Hưng (5,72km2, 13.291 người); Đông Hương (3,48km2, 19.465 người) và Đông Hải (6,7km2, 16.210 người)
Đây là phường trung tâm hành chính mới của tỉnh Thanh Hoá vì những lý do thuận lợi giao thông, xuất hiện yếu tố mới về tầm nhìn quy hoạch, nút giao mới với các huyện Hoằng Hoá, Quảng Xương và khu du lịch Sầm Sơn.
Xét về vị trí địa lý, quy mô dân số, diện tích thì cách chọn, ghép như trên đạt được tất cả các tiêu chí (1,2,3,4). Về truyền thống trước kia Nhân dân các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại bên bờ Bắc sông Mã cũng đã giao lưu thông thương, gắn bó mật thiết với nhân dân các xã Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Phú thuộc bờ Nam sông Mã thông qua bến đò Hoằng Đại, tức các chuyến đò qua lại sông Mã thuộc vị trí xã Hoằng Đại nối với xã Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Phú.
Thực tế và lịch sử kết nối đã có một cù lao trên sông Mã kết nối đất Hoằng Đại, nhưng lại là đất có trích lục thuộc sự quản lý của xã Quảng Hưng. Chứng tỏ từ rất lâu đời, người dân Quảng Hưng đã đi thuyền ra canh tác trên những gò, cù lao đất bồi giáp bờ sông thuộc xã Quảng Đại.
Hiện tại cầu Nguyệt Viên đóng vai trò kết nối, giao thương giữa 2 bờ sông Mã trở nên thuận tiện, gần gũi hơn giữa Hoằng Quang, Hoằng Đại (bờ Bắc) với các phường bờ Nam (Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Phú, …) thậm chí còn thuận tiện hơn đi từ Hoằng Đại, Hoằng Quang sang đến Tào Xuyên, Long Anh dọc theo đê sông Mã. Trong tương lai gần sự liên kết gắn bó còn thuận lợi hơn khi đã có dự án cầu Hoằng Đại nối bờ Quảng Hưng trên tuyến tránh phía Đông Tp Thanh Hoá.
Tên gọi Lễ Môn có ý nghĩa, truyền thống lịch sử là cảng sông Lễ Môn bên bờ Nam sông Mã. Cái tên chung cũng là lựa chọn hợp lý, dễ đồng thuận. Tương lai cảng Lễ Môn mở rộng, tiếp cận bờ Bắc phía Hoàng Đại cũng là một đề xuất dự án hợp lý, hiệu quả. Trên địa bàn này còn có sông Thống Nhất, có thể khai thác giao thông đường thuỷ phục vụ du lịch, thương mại, sản xuất kết hợp với cảng Lễ Môn, sông Mã.
Còn nhiều lựa chọn về tên gọi có ý nghĩa. Có thể lấy tên Nguyệt Viên; hay có thể ghép tên của các xã như : Hoằng Phú, Hoằng Hải, Quảng Đại, Đông Hải, … giúp dễ liên tưởng, định vị khu vực. Nên lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia Văn Hoá, lịch sử và Nhân dân trong vùng.
IV. Phường An Hưng (tạm gọi)
Phường An Hưng có diện tích 47,19km2, dân số 86.496 người, bao gồm các phường xã : Đông Văn (6,58km2, 6.019 người); Đông Vinh (4,36km2, 4.216 người); Đông Quang (7,4km2, 6.218 người); Đông Phú (5,68km2, 5.141 người); Đông Nam (9,43 km2, 6.213 người); Đông Tân (4,42km2, 9.711 người); An Hưng (6,20km2, 14.920 người) và Quảng Thắng (3,12km2, 34.058 người)
Xét về vị trí địa lý, quy mô dân số, diện tích thì cách chọn, ghép như trên đạt được gần như tất cả các tiêu chí (1,2,3,4). Sự gắn bó truyền thống văn hoá lịch sử, giao thông thì trước kia các xã đều thuộc huyện Đông Sơn, ngành nghề truyền thống khu vực này là nghề đá, địa danh nổi tiếng là Núi Nhồi;
Trục kết nối chính các xã, phường cũ rất thuận tiện là các tuyến QL45, Vạn Lại - Yên Trường và đường Lê Lợi kéo dài đi đường nối cảng hàng không Thọ Xuân - Nghi Sơn.
Còn nhiều lựa chọn về tên gọi có ý nghĩa; có thể phương án ghép với chữ “Nam” để dễ xác định phường thuộc phía Nam của thành phố, hoặc có thể ghép chữ “Sơn” ý nói đến truyền thống nghề đá lâu đời của Nhân dân trong vùng; đồng thời giúp dễ liên tưởng, định vị khu vực. Nên lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia Văn Hoá, lịch sử và Nhân dân trong vùng.
V. Phường Bố Vệ (tạm gọi)
Phường Bố Vệ có diện tích 33,87km2, dân số 98.145 người bao gồm các xã phường : Quảng Cát (6,66km2, 11.280 người); Quảng Tâm (3,68km2, 10.012 người); Quảng Đông (5,33km2, 7.627 người); Quảng Thành (8,54km2, 18.747 người); Quảng Thịnh (4,9km2, 12.011 người) và Đông Vệ (4,76km2, 38.468 người)
Xét về vị trí địa lý, quy mô dân số, diện tích thì cách chọn, ghép như trên đạt được gần như tất cả các tiêu chí (1,2,3,4). Về sự gắn bó truyền thống văn hoá lịch sử, tập quán sinh sống, giao thông thì trước kia các xã đều thuộc huyện Quảng Xương, nay ghép cùng phường Đông Vệ phía Nam thành phố cũng nhằm thuận tiện giao thông, kết nối hành chính, hội nhập với lõi cũ của thành phố.
Trục kết nối giao thông giữa các xã (phường cũ) là rất thuận tiện, gắn kết đó là đường 1A cũ, đường tránh Tp Thanh Hoá (Hùng Vương), đường Võ Nguyên Giáp, và QL47 đi Sầm Sơn (An Dương Vương)
Tên gọi phường Bố Vệ là tên làng cổ Bố Vệ có truyền thống gắn bó với di tích lịch sử thái miếu nhà Lê Trung Hưng cũng rất có ý nghĩa và đẹp.
Tên gọi khu vực này còn có nhiều lựa chọn khác có ý nghĩa; Cũng có thể có phương án ghép với chữ “Nam” để dễ xác định phường thuộc phía Nam của thành phố; địa danh cầu Quán Nam là điểm giáp ranh giữa Tp Thanh Hoá (cũ) và huyện Quảng Xương cũng là một cái tên nổi tiếng, gần gũi cần xem xét; hoặc ghép các chữ cũ của các phường, xã như : Quảng Thịnh, Quảng Vệ, Thành Tâm, Đông Thành, … cũng giúp dễ liên tưởng, định vị khu vực. Nên lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia Văn Hoá, lịch sử và Nhân dân trong vùng.
VI. Phường Đông Sơn
Phường Đông Sơn có diện tích 42,80 km2, dân số 58.653 người bao gồm các xã phường : Đông Thịnh (4,38km2, 7.630 người); Rừng Thông (5,96km2, 11.918 người); Đông Hoà (5,57km2, 5.896 người); Đông Hoàng (5,17km2, 6.028 người); Đông Khê (6,51km2, 8.416 người); Đông Minh (4,13km2, 5.180 người); Đông Ninh (5,57km2, 7.185 người) và Đông Yên (5,51km2, 6.400 người)
Xét về vị trí địa lý, quy mô dân số, diện tích thì cách chọn, ghép như trên cũng gần đạt được tất cả các tiêu chí (1,2,3,4). Sự gắn bó truyền thống văn hoá lịch sử, tập quán sinh sống là các xã đều thuộc huyện Đông Sơn cũ; Địa danh Rừng Thông là thị trấn cũ, nổi tiếng gắn liền với lịch sử huyện Đông Sơn;
Giao thông liên hệ giữa các xã cũ nằm trên trục đường QL47 rất thuận tiện cho việc lưu thông, buôn bán, kinh doanh và các ngành nghề nông nghiệp.
Tên gọi phường Đông Sơn thì coi như đã được chấp thuận cao.
VII. Phường Dương Xá (tạm gọi)
Phường Dương Xá có diện tích 40,26 km2 dân số 62.953 người bao gồm các xã phường : Thiệu Vân (3,69km2, 6.135 người); Thiệu Dương (5,71km2, 12.165 người); Thiệu Khánh (5,33km2, 11.545 người); Thiệu Giao (5,81km2, 6.696 người); Đông Lĩnh (8,74km2, 11.964 người); Đông Tiến (5,18km2, 7.228 người) và Đông Thanh(5,8km2, 7220 người)
Xét về vị trí địa lý, quy mô dân số, diện tích thì cách chọn, ghép như trên cũng gần đạt được các tiêu chí (1,2,3,4), gần giống phường Đông Sơn đã phân tích. Sự gắn bó truyền thống văn hoá lịch sử là phần lớn các xã đều thuộc huyện Thiệu Hoá cũ, bổ sung thêm 3 xã thuộc huyện Đông Sơn cũ (Đông Lĩnh, Đông Tiến và Đông Thanh) giáp ranh huyện Thiệu Hoá cũ, có địa hình tương tự; Các xã phía này nằm phía Tây Bắc thành phố Thanh Hoá, giáp ranh các xã thuộc Thiệu Hoá, đều liên kết trên trục đường QL45, nên thuận lợi cho giao thương, sản xuất, và hội nhập.
Địa danh Dương Xá là làng cũ thuộc xã Thiệu Dương, trước kia là địa điểm đặt tỉnh lỵ của Thanh Hoá; tên Thiệu Dương cũng gắn liền với lịch sử văn hoá Núi Đọ, di chỉ khảo cổ học thời đại đồ đá cũ, nên cần xem xét đánh giá để đặt tên cho phường.
Dòng họ Dương của người dân ở khu vực xã Thiệu Dương cũng rất đông, có vai trò lịch sử to lớn trong việc hình thành và phát triển quê hương, đất nước trong thời kì bị Nam Hán đô hộ; nổi tiếng là bậc khai quốc Dương Đình Nghệ.
Ngoài ra tên gọi khu vực này còn có nhiều lựa chọn có ý nghĩa; Cũng có thể có phương án ghép với chữ “Tây” để dễ xác định phường thuộc phía Tây của thành phố, hay “Sơn” với nhiều dãy núi đẹp bên bờ sông Mã, sông Chu; địa danh “Đông Thiệu” cũng là cái tên đã được sử dụng khi sáp nhập huyện Đông Sơn và huyện Thiệu Hoá trong những năm 1980. Các địa danh ghép chữ cũng hay, có ý nghĩa, như Vân Dương, Sơn Dương, Dương Khánh, …. dễ liên tưởng, định vị khu vực.
Nếu ghép một số xã phường này (Thiệu Dương, Thiệu Vân, …) vào phường Hàm Rồng thì rất có thể sẽ làm mờ đi các tên gọi gắn với di tích lịch sử thuộc di chỉ khảo cổ học thời đại đồ đá cũ Núi Đọ - Thiệu Dương; làm phai nhạt đi những tên gọi của một vùng đất lịch sử oai hùng gắn với người anh hùng Dương Đình Nghệ, là bậc khai quốc giúp Ngô Quyền lần đầu tiên lập nên nền độc lập của nước ta (những năm 930)
VIII. Đánh giá cách phân chia phường theo phương án trên
1. Tổng hợp phân tích số liệu.
1.1. Về chênh lệch diện tích so với trung bình (33,43km2)
Phường Hàm Rồng (-16,1%); Phường Thọ Hạc (-77,6%); Phường Lễ Môn (+2,8%) Phường An Hưng (+41,1%) Phường Bố Vệ (+1,3%) Phường Đông Sơn (28,0%) Phường Dương Xá (20,4%)
1.2. Về chênh lệch dân số so với trung bình (87.761 người/phường)
Phường hàm Rồng (+2,09%); Phường Thọ Hạc (+44,78%); Phường Lễ Môn (+4,16%) Phường An Hưng (-1,44%) Phường Bố Vệ (+11,83%) Phường Đông Sơn (-33,17%) Phường Dương Xá (-28,27%)
- Về quy mô dân số, diện tích giữa các phường là không chênh lệch nhiều. Riêng phường Thọ Hạc vốn là lõi của Thành phố thì có tỷ lệ dân số, tỷ lệ diện tích khác hẳn các phường còn lại, đây là thực tế lịch sử nên chấp nhận. Khi giao thoa hội nhập các phường theo địa giới nêu trên, sẽ tạo ra không gian địa lý các phường vẫn gần Trung tâm, tạo được tâm lý, thúc đẩy quá trình giãn dân của phường lõi Thọ Hạc; dân số sẽ dịch chuyển, điều chỉnh về các phường biên khi Chính quyền có các chính sách tích cực về đất đai, xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
- Về sự liên kết, giao thương giữa các phường đảm bảo thuận tiện và là động lực để phát triển các phường biên.
Tất cả các phường biên thành phố đều có phần giáp ranh với phường Thọ Hạc là lõi cũ, đây cũng là ý đồ nhằm tạo ra sự tiếp cận, lan toả và hội nhập văn hoá, kinh tế, tập quán sinh hoạt; Hãy tưởng tượng như cách cắt bánh trưng, phần nào cũng có nhân, có vỏ tương đối đồng đều, hài hoà; không gây ra sự khác biệt nhiều giữa cũ và mới; tạo điều kiện … để hoà nhập, liên kết để cùng phát triển, tương hỗ trợ giữa các khu vực đô thị mới và cũ.
Hình dáng các phường cũng đạt được tỷ lệ tương đối vuông vắn; tỷ lệ kích thước dài rộng vừa phải, khoảng từ 1/1,25 đến 1/1,6.
4. Về các xã phường trước kia vốn thuộc huyện Hoằng Hoá.
Các phường Tào Xuyên, Long Anh sáp nhập vào phường Hàm Rồng; phường Hoằng Quang, Hoằng Đại sáp nhập vào phường Lễ Môn sẽ tạo ra sự giao thoa, hội nhập cộng đồng hai bên bờ sông Mã, gắn kết toàn diện, ổn định với đô thị Thành phố để cùng phát triển; điều này cũng phù hợp với tầm nhìn quy hoạch Thành phố Thanh Hoá bên bờ sông Mã;
Theo quy hoạch cầu Hoằng Đại nối Quảng Hưng sẽ được xây dựng trong tương lai gần, càng tạo nên sự gắn kết, hội nhập nhanh chóng, hỗ trợ cho sự phát triển trong phường Lễ Môn;
Như đã phân tích về bến cảng Lễ Môn, vị trí địa lý của hai phường Hoằng Đại, Quảng Hưng đối diện qua sông Mã cùng một phường sẽ dễ dàng tổ chức đầu tư, khai thác các tuyến đường thuỷ này;
Nếu phương án ghép 4 phường này (bên bờ Bắc sông Mã) thành phường mới thì có cảm giác như một huyện Hoằng Hoá thu nhỏ, trực thuộc thành phố Thanh Hoá; Thoạt nhìn có vẻ gần gũi về truyền thống văn hoá, lịch sử, xã hội, nhưng lâu dài sẽ gây ra sự cách ly, xa lánh với các phường trung tâm, bên này sông Mã; quá trình hội nhập cộng đồng dân cư, giao thương sẽ bị ảnh hưởng, ngắt nhịp; cực đoan chút có thể gọi là ly khai.
Vấn đề này, đề nghị các cấp lãnh đạo cần có sự phân tích đánh giá sát thực tiễn đời sống, tập quán của người dân ; tham khảo, lấy ý kiến, thăm dò dư luận, xem xét tâm tư tình cảm của Nhân dân các vùng này.
IX. Về lưu danh các tên xã cũ.
Nên đặt tên các tuyến đường trong phạm vi phường mới, thuộc vị trí địa lý của xã cũ, dành ưu tiên các tuyến, đoạn đường lớn liên huyện, liên xã để đặt tên, thậm chí các tên đã bị ghép trước khi có chủ trương sáp nhập gần đây. Ví dụ phường Hàm Rồng có các đường Hoàng Long, Hoằng Anh, Tào Xuyên, … ; Phường Đông Sơn có các đường Đông Khê, Đông Anh, Đông Hoàng, Đông Ninh, …; phường Bố Vệ sẽ có các đường Quảng Thịnh, Quảng Thành; Quảng Đông, …Như vậy tất cả các tên địa danh vẫn thường xuyên được gọi tên, ghi chép, có mặt trên bản đồ và tồn tại, phát triển cùng cộng đồng dân cư.
Những đóng góp về cách thức lựa chọn phương án phân chia ghép địa giới hành chính các phường và đặt tên là theo thiển ý chủ quan của tôi. Chắc chắn còn nhiều kiến giải phù hợp, hay, hiệu quả hơn. Mong các bạn phân tích bổ sung điều chỉnh giúp Tp Thanh Hoá có một diện mạo mới phù hợp với trình độ quản lý điều hành trong kỷ nguyên mới, nhằm hội nhập phát triển.