Đảng bộ huyện Đông Sơn tích cực triển khai chương trình phát triển Đô thị
(TTV) - Nhằm phát huy lợi thế của một huyện giáp ranh với TP Thanh Hóa và có nhiều tuyến giao thông trọng yếu đi qua, Đảng bộ huyện Đông Sơn đã xác định Phát triển đô thị là 1 trong 4 chương trình kinh tế xã hội trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Hiện nay, huyện và các xã, thị trấn đang tích cực triển khai thực hiện đề án Tổng thể phát triển đô thị huyện Đông Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ Đô thị hóa huyện Đông Sơn đạt tối thiểu 32%.
Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 5 km, lại có các tuyến Quốc lộ 45 và 47 chạy qua, nhưng trong một thời gian dài trước đây, thị trấn Rừng Thông luôn bị đánh giá là chậm phát triển so với các thị trấn huyện lỵ đồng bằng. Lý do là diện tích tự nhiên quá nhỏ, dân số ít, không có nhiều dư địa để phát triển. Thực hiện Nghị quyết 935 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, từ tháng 11/2015, địa giới hành chính thị trấn Rừng Thông được điều chỉnh, mở rộng lên đến 603 ha, quy mô dân số gần 11 nghìn người. Cấp ủy, chính quyền huyện Đông Sơn và thị trấn Rừng Thông đều nhận thức rõ: đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của thị trấn nói riêng, đồng thời tạo động lực cho chương trình phát triển đô thị của huyện nói chung. Ngay sau khi được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, thị trấn Rừng Thông đã đề ra mục tiêu và đang triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu sẽ trở thành là Đô thị loại IV vào năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 32% trở lên vào năm 2020, đề án Tổng thể phát triển đô thị huyện Đông Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: trong giai đoạn này cần phải ưu tiên “Đô thị hóa theo chiều rộng”. Cùng với việc hoàn chỉnh quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các khu đô thị mới thuộc địa bàn thị trấn Rừng Thông, huyện đang chỉ đạo các xã thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, hướng tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới đạt tiêu chí của đô thị loại 5.Quá trình đô thị hóa liên quan và tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Nếu thực hiện thành công chương trình Phát triển đô thị, huyện Đông Sơn sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, cùng với việc ưu tiên “đô thị hóa theo chiều rộng”, huyện cần phải quan tâm đến “đô thị hóa theo chiều sâu”, tức là nâng cao chất lượng các đô thị, để đảm bảo tính phát triển bền vững và ổn định./.
PS: Đông Sơn cũng xác định đô thị hóa theo chiều rộng, nghĩa là làm thế nào để mở rộng đô thị càng nhanh càng tốt!