BỈM SƠN tạo bước đột phá để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2018.
(THO) - Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất, trình độ nhân lực, lịch sử truyền thống... thị xã Bỉm Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bước đột phá để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2018.
Thị xã Bỉm Sơn thành lập năm 1981, được xác định là đô thị hạt nhân, khu kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Sau 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân chung của cả tỉnh; cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Những năm gần đây, thị xã đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, tăng sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Cơ cấu dân cư và lao động đang được phân công lại theo hướng tăng nhanh dân cư đô thị và lao động phi nông nghiệp. Năm 2015, thị xã được công nhận đô thị loại III, đây là dấu mốc quan trọng để Bỉm Sơn tiếp tục triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là trước năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thị xã Bỉm Sơn gặp không ít khó khăn, thử thách, như: vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị... lên tới hàng ngàn tỷ đồng; thu hút đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn, tạo nhiều việc làm cho người lao động... không phải dễ. Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt thị xã Bỉm Sơn ngày 11–5–2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến chỉ đạo Bỉm Sơn xác định hướng phát triển của thị xã và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới hiện nay nhằm phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của thị xã. Tận dụng tốt thời cơ, vận hội, vị thế mới của tỉnh, đưa Bỉm Sơn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh; phấn đấu xây dựng thị xã Bỉm Sơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa vào năm 2018 để Bỉm Sơn là một trong những trục động lực quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của tỉnh... Đồng thời tập trung rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã quyết nghị, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ kế hoạch chỉ tiêu đã đề ra. Khẩn trương xây dựng đề án “Thành lập thành phố Bỉm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa”, trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời tập trung hoàn thiện các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh... Đây là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng, tháo gỡ khó khăn để thị xã tạo bước đột phá trong quá trình phát triển. Thời gian qua, Thị ủy Bỉm Sơn đã chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc quán triệt đến cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ X, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm chương trình hành động và ý kiến chỉ đạo của cấp trên, bước đầu đã tạo nên động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển. Trong đó, kết quả phát triển kinh tế đáng ghi nhận, 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã đạt 7.264 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ; riêng lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đạt 5.122 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ... Hiện thị xã Bỉm Sơn đang tiếp tục thực hiện phát triển kinh tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn; tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ và cơ cấu sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp mới, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thị xã phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sản xuất, như: Nhà máy phân lân Văn Điển, Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông, Nhà máy sản xuất đồ trang sức, Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy cấu kiện thép, dự án nhà máy sản xuất máy kéo 4 bánh, các nhà máy may... Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành, đơn vị có liên quan quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bỉm Sơn; xây dựng chương trình, chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xi măng. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn đạt 17.049 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 13,2%.
Bên cạnh đó, thị xã chú trọng đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ. Thực hiện tốt đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các mô hình thử nghiệm giống cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng của từng xã, phường, từ đó nhân rộng trong sản xuất. Phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, như: chăn nuôi lợn sạch, lợn “cắp nách”, chăn nuôi gà, vịt an toàn sinh học, nuôi chim bồ câu Pháp... Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh đủ sức cạnh tranh để phát triển. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa – xã hội, kết hợp xây dựng mới với chỉnh trang đô thị nhằm phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp, từng bước hiện đại. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gắn quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất; nâng cao hiệu quả, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch kịp thời, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng mới quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm mối liên kết nội bộ và với các khu vực lân cận. Trọng tâm là lập các quy hoạch phân khu tại các khu vực mới có quy hoạch chung, gồm: phân khu phía Đông thị xã, phân khu phía Nam sông Tam Điệp... Đầu tư phát triển hệ thống giao thông, phát triển không gian đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cấp, thoát nước, phát triển lưới điện; xây dựng các công trình văn hóa, xã hội và dịch vụ công cộng... Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế, thị xã quan tâm khai thác các nguồn thu để tăng thu cho ngân sách. Đồng thời, đa dạng hóa để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đại diện lãnh đạo Thị ủy Bỉm Sơn cho biết, thị xã quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa các công trình như: sân vận động, nhà thi đấu thể dục thể thao, một số công trình cơ sở văn hóa khác... Hiện, trên địa bàn có khoảng 40 tuyến đường giao thông cần được đầu tư nâng cấp để bảo đảm tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã chủ trương thực hiện Nhà nước đầu tư xây dựng mặt đường, vận động nhân dân hiến đất, dỡ bỏ tường rào, đầu tư xây dựng vỉa hè. Đồng thời, khai thác quỹ đất, báo cáo tỉnh xin cơ chế để đổi đất lấy công trình, nhất là công trình giao thông. Đẩy mạnh phát triển các khu đô thị, chỉnh trang các khu dân cư cũ. Trong quá trình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư..., ngoài sự nỗ lực của thị xã, nhân dân trên địa bàn, Bỉm Sơn rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vốn của tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị có liên quan.