Du lịch Thanh Hóa: Tiềm năng dồi dào mà sao trống vắng FDI?
·4/20/2016 1:06:09 PM
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%, năm 2015, Thanh Hóa có mức GDP bình quân đầu người đạt 1.520 USD và quy mô gấp 1,7 lần so với năm 2010,
xếp thứ 8 cả nước và đứng đầu miền Trung. Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn FDI (với 56 dự án lũy kế đến 30 tháng 9 năm 2015 ước giá trị khối lượng thực hiện đạt 40.587 tỷ đồng, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký của các dự án đạt khoảng 19%);
đặc biệt, đứng đầu cả nước về thu hút FDI từ Nhật Bản (với 12 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD)…. Nhưng vì sao cho đến nay chưa có dự án FDI nào trong ngành Du lịch của tỉnh?
Nằm trong vùng du lịch Bắc bộ, Thanh Hóa có vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ và Nam bộ, có hệ thống giao thông đường bộ khá thuận lợi với đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Xuyên Việt, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, với đường chiến lược 15A xuyên suốt vùng Trung du và miền núi Thanh Hóa, đường 217 nối với nước bạn Lào; có hệ thống sông ngòi với 4 hệ thống sông chính gồm Sông Mã, Sông Hoạt, Sông Yên, Sông Lạch, 5 cửa lạch chính thông ra biển, cảng biển Nghi Sơn tương lai trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực Nam Bắc bộ và Bắc Trung bộ, thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển; về hàng không, Thanh Hóa có sân bay Sao Vàng có bước đột phá về vận chuyển hành khách trong năm 2015. Trên địa bàn có 19.334km đường bộ, hành lang lưu thông và liên kết với các vùng trong cả nước thuận tiện, với các nước lân cận và trong nội tỉnh khá thuận lợi so với nhiều địa phương khác. Có 92km đường sắt Bắc - Nam. Mạng lưới giao thông đường biển với 102km bờ biển, 5 lạch cửa nối liền Thanh Hóa với hầu hết các cảng biển của các tỉnh ven biển Việt Nam và cảng nước sâu Nghi Sơn có thế đón tàu có trọng tải lớn cập cảng. Tỉnh còn có 30 con sông lớn nhỏ với chiều dài 1.899km, hiện đã có khoảng 360km đường sông được khai thác thuộc các tuyến sông lớn như Sông Mã, Sông Chu, Sông Đò Lèn...
Đặc biệt, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được phân bổ đều trên phạm vi toàn tỉnh. Trong số các di tích có 135 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm 5,25% tổng số di tích xếp hạng quốc gia của cả nước (hiện cả nước có 2.569 di tích được xếp hạng quốc gia) và 412 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bao gồm: Di tích Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh; Di tích khảo cổ hang con Moong; Chiến khu Ba Đình; Cụm di tích Sầm Sơn Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Lê Hoàn; Lễ hội Bà Triệu; Lễ hội Đền Sòng,..).
Khách sạn FLC Thanh Hóa
Với chủ trương ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến, chú trọng các tập đoàn đa quốc gia, thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện một loạt các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, như: Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” trong cấp phép đầu tư và quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, môi trường, sử dụng lao động,...
UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Thanh Hóa hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu khảo sát, nghiên cứu đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; cam kết luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo giảm thiểu tình trạng cò mồi, chèo kéo, chặt chém du khách, bán hàng rong,.. Nhờ đó, tính lũy kế đến 30/09/2015, theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, tổng cộng đã có 65 dự án với tổng vốn đăng ký gần 18 ngàn tỷ đồng đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Riêng năm 2014, toàn tỉnh có 30 dự án được cấp phép và đã triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các khu du lịch sinh thái biển như: Hải Hòa, Hải Tiến, Nam Sầm Sơn…
Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh chưa thu hút được dự án FDI nào vào phát triển ngành D-u lịch địa phương. Điều này chủ yếu do đặc thù ngành du lịch biển của tỉnh chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè. Mặc dù Sầm Sơn thu hút khá đông khách du lịch nội địa, nhưng chỉ tập trung vào mùa hè, thời gian còn lại trong năm không có hoạt động nào diễn ra trên địa bàn khu vực ven biển. Trong khi đó, bãi biển Sầm Sơn hay Di sản văn hóa Thành nhà Hồ, cùng các tiềm năng du lịch tâm linh và nhân văn khác chưa được khai thác và quảng bá rộng rãi, tỉnh Thanh Hóa hầu như vô danh trên bản đồ của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành về đất đai, tài chính và thuế thiếu chính sách ưu tiên cho ngành du lịch hoặc còn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến kêu gọi đầu tư.... chưa được chú trọng đúng mức. Cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khu vực miền núi và ven biển. Năng lực đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên ngành du lịch còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới. Nhận thức của người dân sở tại đối với việc phát triển du lịch chưa cao, chưa coi khách du lịch là mục tiêu, chưa tạo được môi trường xã hội cho du lịch chuyên nghiệp tại địa phương.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sức thu hút và lan tỏa tác động liên ngành cao. Để thu hút FDI cho phát triển du lịch trên địa bàn Thanh Hóa, cần sự phối hợp đồng bộ các giải pháp và những nỗ lực từ nhiều phía, cơ quan, nổi bật là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng danh mục dự án và xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng, nhất là kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc,...Sở KH&ĐT tỉnh cần tăng cường công tác đấu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, Trung ương để có các thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng thông tin, ấn phẩm tuyên truyền và nâng cấp trang web giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư của ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trên địa bàn; đặc biệt, hoàn thiện cơ chế quản lý một cửa” cho các dự án FDI vào ngành Du lịch với mức ưu đãi và thuận lợi tốt nhất có thể. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần đến một cơ quan duy nhất từ khâu khảo sát ban đầu đến khi hình thành dự án, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư; Đồng thời, bám sát thực tế, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư dự án FDI trong du lịch hoạt động thuận lợi, nhất là về sử dụng đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư
Thứ ba, tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên lĩnh vực cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc; coi trọng đào tạo cán bộ và đội ngũ nhân lực trong ngành Du lịch, tạo sức hấp dẫn huy động vốn FDI vào ngành Du lịch của tỉnh.
Thứ tư, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đa dạng hóa các loại hình du lịch kết hợp với thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng; thường xuyên tổ chức các lễ hội gắn với từng cột mốc, từng địa danh cụ thể của tỉnh, để có thể thu hút được khách du lịch không chỉ trong 3 tháng hè, mà trong cả 12 tháng của năm, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư vốn vào du lịch của tỉnh.
Thanh Hóa đang là điểm sáng trong phát triển ngành Du lịch và kinh tế xã hội nói chung của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới rất cần những đột phá mạnh mẽ cả về nhận thức và chính sách thu hút vốn FDI vào ngành Du lịch của tỉnh, tạo động lực, sức bật mới cho phát triển kinh tê-xã hội nói chung, cho ngành Du lịch nói riêng trên địa bàn…
TS. Hà Thương & TS. Minh Phong