Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài 1): Tiếp cận công nghệ, đa dạng sản phẩm
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp, hàng nghìn sản phẩm công nghiệp (CN), tiểu thủ CN được trao đổi hàng hóa trên thị trường, mang lại doanh thu, lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Trong đó, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất chính là “đòn bẩy” góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế của hàng hóa xứ Thanh trên thị trường trong nước và từng bước vươn tầm quốc tế.
Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia (Hoằng Hóa) là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng thành công khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nước mắm truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh. Với những sản phẩm nổi tiếng, được chứng nhận chất lượng trên thị trường, như: mắm tôm, mắm tép, nước mắm Lê Gia, gia vị thực phẩm...
Trong đó, công ty đã áp dụng các công nghệ tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, hệ thống xử lý không khí theo công nghệ lọc tĩnh điện, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo QCVN11-MT:2015/BTNMT; hệ thống phòng sạch được thiết kế theo tiêu chuẩn EN 779, tấm lọc G4 với quy trình công nghệ kiểm soát chất lượng chuẩn ISO 22000:2018 và chứng nhận FDA (tiêu chuẩn vào thị trường Hoa Kỳ).
Nhờ công nghệ tiên tiến, hiện đại, chúng tôi đã có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. Các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị: Winmart, Winmart+, Aeon, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega market ... và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Ngoài ra, các sản phẩm mang thương hiệu Lê Gia đã có mặt tại các thị trường: Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Nam Phi, Panama, Australia, Singapore...
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 32 doanh nghiệp Khoa học và công nghệ, đứng thứ 3 cả nước về số lượng, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: sản xuất công - nông nghiệp, thiết bị - vật tư y tế, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin.... Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ tiên phong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt mà còn từng bước tạo ra những sản phẩm chất lượng, chinh phục thị trường, người tiêu dùng.
Là đơn vị dẫn đầu trong danh sách doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã phát triển được hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia với số hiệu VILAS 849 và 19 nhân sự hoạt động chuyên môn trong công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu hàng hóa những năm gần đây của tỉnh đều đạt ở ngưỡng 4,5 - 5 tỷ USD.
Trong đó, có 23 sản phẩm OCOP, 18 sản phẩm công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: tinh bột sắn, chả cá surimi, bột cá, dăm gỗ xuất khẩu, rau củ quả đóng hộp... Ngoài ra, hằng năm, trên địa bàn tỉnh đều có từ 5 - 10 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ở các nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, công mỹ nghệ và các sản phẩm khác.