Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”
Thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung, công việc thuộc trách nhiệm của tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù. Đến nay, đã có 04 chính sách được phê duyệt và triển khai thực hiện; còn lại 04 chính sách (về tài chính) đang được các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng, cụ thể như sau:
- Đối với 04 chính sách đã được triển khai thực hiện:
(1) Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022; theo đó Tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước; HĐND tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
(2) Chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; theo đó, phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Hiện nay, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp đang thực hiện việc lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn để trình duyệt theo chính sách đặc thù trên.
(3) Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 06/4/2022 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; theo đó, ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng theo quy định tại Nghị quyết số 37/2021/QH15. Đến nay, HĐND tỉnh đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo chính sách trên để thực hiện 13 dự án trên địa bàn tỉnh.
(4) Chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg ngày 25/5/2022 quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa; theo đó, ủy quyền cho HĐND tỉnh thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha theo quy định tại Nghị quyết số 37/2021/QH15. Đến nay, chính sách trên chưa thực hiện do trên địa bàn tỉnh chưa có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo tiêu chí của Nghị quyết số 37/2021/QH15.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng theo các Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg, số 14/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể: việc thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha theo quy định tại Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; nhưng việc chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừngphòng hộ dưới 50 ha hiện nay lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nên làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Nguyên nhân do Quyết định số 14/2022/QĐ-TTg không quy định trình tự thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha, mà chỉ quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha; ngoài ra, chưa có quy định hướng dẫn chi tiết, thống nhất giữa việc chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017.