Số liệu ghi nhận tại Cục Hải quan Thanh Hóa, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn tăng dần qua các năm: năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6.552,18 triệu USD, tạo nguồn thu thuế 11.181,06 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thu ngân sách hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh;
năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 9.840,52 triệu USD, tạo nguồn thu thuế 19.456,87 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 98% tổng số thu ngân sách hàng hóa xuất nhập khẩu. Quý 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,2 tỷ USD, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến 10/4/2023 đạt 4.657 tỷ đồng, đạt 34,5% chỉ tiêu.
Tuy nhiên, thời gian qua, chủ yếu chỉ có hãng tàu CMA-CGM đầu tư tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng, với tần suất 1 chuyến/tuần. Trong khi các doanh nghiệp mong muốn được đa dạng hóa sự lựa chọn dịch vụ từ nhiều hãng tàu thì việc hạn chế hãng tàu, tần suất khiến các doanh nghiệp ít sự lựa chọn về mức giá cước cạnh tranh, cũng như không đáp ứng được nhu cầu xuất hàng liên tục nhiều chuyến/tuần theo yêu cầu của đối tác. Về phía các hãng tàu, khi thực hiện khảo sát đầu tư tuyến vận tải lại lấy yếu tố sự sôi động của doanh nghiệp thực hiện dịch vụ qua cảng lên hàng đầu.
Từ những lý do trên dẫn đến số lượng hãng tàu mới, doanh nghiệp mới chưa nhiều, tần suất hoạt động thấp, số thu NSNN từ hàng hóa vận chuyển hàng hóa bằng container chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thu NSNN của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn (khoảng gần 3%), số thu NSNN phần lớn từ các mặt hàng không vận chuyển bằng container như dầu thô, than, dầu cọ…
Trước tình hình trên, nhằm tháo gỡ những nút thắt khó khăn, cùng với các sở, ban ngành trong tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu và phát huy hiệu quả chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Hải quan Thanh Hóa tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và hiệp hội doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, các chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn nói riêng để khuyến khích các doanh nghiệp lớn có trụ sở trên địa bàn tỉnh và
doanh nghiệp các tỉnh lân cận (Nghệ An, Ninh Bình) nhưng chưa thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn, đặc biệt đối với các tập đoàn sản xuất ô tô, giày da, phế liệu… có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất lớn, số thu nộp NSNN hàng năm cao.
Bên cạnh đó, đơn vị chủ động, tích cực trong việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp mới về làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý; trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, nắm bắt thông tin cũng như khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mới để có biện pháp xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Thúc đẩy mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng phát triển, giải quyết kịp thời và hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào một môi trường kinh doanh thuận lợi. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp, thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo lập các môi trường hành chính điện tử trên cơ sở tích hợp sâu rộng các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hấp dẫn, thu hút các các doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN thông qua các biện pháp nghiệp vụ như tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá, thuế suất…
Đơn vị cũng tích cực tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, nâng cao năng lực kinh doanh của các công ty kinh doanh kho bãi, dịch vụ cảng, trang bị thêm máy móc thiết bị để giảm thời gian bốc, dỡ hàng hóa, thời gian lưu giữ hàng hóa, rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Phong Nhân (Cục Hải quan Thanh Hóa