Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn
14.02.2023
Được quy hoạch bài bản, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn (KCNBS) hiện là một trong những khu công nghiệp (KCN)
có tỷ lệ lấp đầy tương đối cao (62%), chỉ sau các KCN đã hình thành lâu năm tại TP Thanh Hóa. Với vị trí địa lý thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa, thời gian gần đây, có khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp “tầm cỡ” đến khảo sát, tìm hiểu hợp tác đầu tư tại KCN này. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp,
KCNBS cần được quan tâm, đầu tư bài bản các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tổng thể và chi tiết nhằm đáp ứng về thời gian và tiêu chuẩn hạ tầng phục vụ sản xuất.
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại KCNBS.
Trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam và quy hoạch điều chỉnh phát triển các KCN tỉnh Thanh Hóa, KCNBS được định hướng là KCN đa ngành. Đến thời điểm hiện tại, KCNBS được quy hoạch với
524,9 ha. Ngoài các
trục giao thông chính trong KCN do Nhà nước đầu tư, hạ tầng kỹ thuật của KCN này do 3 nhà đầu tư hạ tầng đảm nhận. Trong đó, Bắc khu A có diện tích 163,36 ha do Công ty CP Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa làm chủ đầu tư; Nam khu A có diện tích 145 ha do Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư; khu B có diện tích hơn 216 ha do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 làm chủ đầu tư.
Theo rà soát của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, hiện nay, hạ tầng KCNBS đã được các chủ đầu tư thi công với tiến độ hoàn thành từ 75-95% khối lượng công việc theo quy hoạch phê duyệt. Đây không phải là một tỷ lệ thấp. Tuy nhiên,
phần lớn các phần việc đã hoàn thiện là các hạng mục dễ thực hiện như các tuyến đường giao thông ở các vị trí dễ giải phóng mặt bằng (GPMB), hệ thống điện, chiếu sáng...
Các hạng mục quan trọng khác như hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp nước thô... vẫn chưa hoàn thiện.
Điển hình như Dự án đầu tư hạ tầng Bắc khu A - KCNBS được cấp chứng nhận đầu tư năm 2013 với tổng vốn đầu tư 886 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành 75% khối lượng công việc với các hạng mục như: 100% các tuyến giao thông C-C4, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điện trung thế 35 kV, nhà điều hành... Tuy nhiên, trạm bơm và hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy, hệ thống nước thô đều chưa hoàn thiện. Ông Hoàng Thế Khiêm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển VID Thanh Hóa (chủ đầu tư hạ tầng Bắc khu A), cho biết: Việc triển khai các hạng mục còn lại hiện gặp không ít khó khăn do vướng mắc trong công tác GPMB. Trong đó, một phần diện tích ảnh hưởng trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) qua nhiều lần vận động, vẫn còn 7 hộ dân vẫn chưa đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB, chủ đầu tư và chính quyền địa phương hiện đang hoàn tất thủ tục cưỡng chế. Ngoài ra, 27 ha còn lại là đất nông nghiệp có tài sản trên đất và đất ở hiện trạng cũng cần thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt cơ chế hỗ trợ để đủ cơ sở áp giá và phê duyệt phương án bồi thường.
Tại khu B-KCNBS, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 cũng đã đầu tư xong 75% hạng mục khối lượng công việc, với tổng vốn đầu tư 295/430 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thành việc san nền các lô đất công nghiệp, đường giao thông, mương thoát nước mưa, thoát nước thải... Tuy nhiên hạng mục tuyến đường ống thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung và hệ thống thi công nước sạch vẫn chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, tại
KCNBS hiện vẫn chưa hoàn thành hệ thống cấp nước thô cho toàn khu. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn do lưu lượng nước sạch chưa đáp ứng được về sản lượng và áp lực nước, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, đi vào vận hành và sản xuất của nhà đầu tư thứ cấp, cũng như kế hoạch vận hành các nhà máy xử lý nước thải trong KCN. Các nhà đầu tư hạ tầng tại KCNBS hiện đang kiến nghị UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn này bằng việc đôn đốc Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát khẩn trương đầu tư hệ thống cấp nước thô tới KCNBS theo Quyết định chấp thuận chủ trương.
Thông tin từ Văn phòng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh chi nhánh tại Bỉm Sơn, cho biết: Đến nay, KCNBS đã thu hút được 57 dự án đầu tư. Trong đó, có 33 dự án đã đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất đạt khoảng 2.300 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Ngoài các dự án may mặc, giày da, tại KCNBS cũng đã có nhiều dự án trên các lĩnh vực sản xuất linh kiện máy móc, cơ khí, ô tô... đã đi vào hoạt động hiệu quả. Trong năm 2022, đã có thêm 5 nhà máy tại KCNBS khởi công và sẽ đi vào sản xuất trong năm 2023 và 2024.
Trong quy hoạch mở rộng, KCNBS đã được điều chỉnh lên 1.000 ha để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các ngành sản xuất trọng điểm được ưu tiên phát triển tại KCNBS này vẫn là sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, kết cấu thép, điện tử, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, may mặc, giày da, dược phẩm, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu... Ngoài các giải pháp xúc tiến, kêu gọi đầu tư đang được tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh, thị xã Bỉm Sơn triển khai mạnh mẽ, công tác đầu tư hạ tầng cần được đi trước một bước nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng, hạ tầng cơ bản một cách nhanh chóng. Trong đó, bên cạnh việc duy tu các công trình hạ tầng đã đi vào hoạt động, Nhà nước, các địa phương liên quan cần hỗ trợ, phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thành công tác GPMB và triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu sớm nhất, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào vùng đất công nghiệp truyền thống này
PS: Cuối cùng có thể kết luận: Hạ tầng KCN là điểm yếu của tỉnh ta, rất là mất điểm với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn.
Foxconn đã mất công 3 lần làm việc với tỉnh, nhưng có lẽ không có hạ tầng KCN hoàn chỉnh( thậm chí KCN mới chỉ là quy hoạch) đã làm họ chùn bước, đến nay chưa hẹn gặp lại.