Tp.Thanh Hóa Dòng người di cư từ Thanh Hóa ra Phú Thọ thuở xa xưa

txcanh

Thành viên mới
Phuthoportal - Khảo cổ học đã phát hiện trong di chỉ ở vùng sông Mã (Thanh Hoá) những hiện vật đồ đã, gốm và đồng thau do cư dân Gò Mun (ở làng Tứ Xã - Lâm Thao) chế tác từ 3.000 năm trước. Ngược lại người ta cũng tìm thấy ở di chỉ Gò Mun (Phú Thọ) những hiện vật do cư dân vùng sông Mã chế tác cùng niên đại đó.
Theo truyền thuyết Hùng Vương và ngọc Phả thần tích ở đình làng Thời Mại nơi thờ công chúa Nguyệt Cư và Lý Văn Lang, thì một lần công chúa theo vua cha tuần du về làng An Thái ở phía Đông Bắc Đền Hùng nàng bị đau bụng trở dạ. Vua Hùng cho dân làng đến múa hát mua vui cho công chúa quên bớt cơn đau. Nhưng công chúa càng lúc càng đau dữ dội, người ta phải kiệu nàng về Thời Mại để sinh đẻ. Đám dân làng An Thái vừa chạy theo kiệu vừa hát. Để tưởng nhớ sự tích trên, mùa xuân hàng năm dân An Thái lại cầu tế và tổ chức hát xoan. Từ đấy tục hát xoan Phú Thọ ra đời. Mùa xuân hàng năm phường Xoan An Thái lại vào hát xoan ở cửa đình lại Thời Mại, vừa đuổi theo kiệu rước vừa hát .
Một lần phò mã Lý Văn Lang được cử hộ giá vua Hùng đi tuần du Ái Châu. Ngày 18 - 10 qua Bàn Sơn (Thọ Xuân) phò mã hoá ở đây, vua Hùng truyền cho dân Ái Châu và 37 làng lân cận lập đền thờ phò mã Quận Công và sắc phong là "Nhất phong phò mã phu ký lang Đại Vương".
Ở làng Thời Mại (Lâm Thao) còn một ngôi miếu ở cạnh chùa Vĩnh Ninh thờ dũng tướng con trai Lý Văn Lang và công chúa Nguyệt Cư.
Tài liệu khảo cổ và văn hoá dân gian đã cho ta biết cư dân Thanh Hoá đã có mặt tại đất Tổ Phú Thọ từ tiền sử và buổi bình minh lập nước của các vua Hùng.
Chúng ta cũng biết chủ nhân nước Văn Lang là người Lạc Việt. Cư dân Lạc Việt làm lúa nước phát triển mạnh ở hai lưu vực đồng bằng sông Hồng và sông Mã. Các vua Hùng phải lấy Việt Trì, Phú Thọ làm đất bản bộ, có lẽ để ngăn chặn người Âu Việt do Thục Phán làm thủ lĩnh ở vùng Tây Bắc tràn xuống. Sau này khi Thục Phán hợp nhất được hai liên minh bộ tộc người Lạc Việt và người Âu Việt đã lấy Cổ Loa xây thành làm cứ địa nhằm bình định người Lạc Việt buổi đầu chưa dễ bề quy phục
Người Lạc Việt, chủ nhân nước Văn Lang về sau tách thành hai nhóm tộc người. Những người về xuôi khai khẩn vùng Trung Châu tiếp nhận văn hoá Hán và các dòng văn hoá khác thành người Kinh (Việt). Bộ phận khác sống trong rừng vẫn tự nhận mình là mol (người) vì họ ở từng đơn vị tụ cư gọi là các mường nên về sau gọi là người Mường. Chế độ thổ tù lang đạo tồn tại ở các Mường trước cách mạng Tháng tám là dấu ấn của chế độ quan bồ chính hưởng quyền thế tập cha truyền con nối cai quản các làng Việt Cổ thời đầu công nguyên từ trước khi nhà Hán sang đô hộ nước ta. Người Mường và nguời Kinh vì thế có chung một nguồn gốc ngữ hệ gọi là nhóm ngôn ngữ Việt - Mường bên cạnh các nhóm Hơ Mông - Dao, Tày - Thái. Mon - Khơ Me và các nhóm ngôn ngữ Nam Á khác đang tồn tại trên miền Bắc nước ta.
Có lẽ Thanh Hoá là tỉnh còn giữ đậm đà nhất tiếng nói của người Việt Cổ, đặc biệt về âm sắc lẫn lộn các dấu hỏi và ngã. Giọng nói Thanh Hoá còn thấy rải rác ở huyện Yên Lạc, Vĩnh tường - Vĩnh Phúc. Một số huyện ở Hà Tây và đặc biệt ở Phú Thọ đó là giọng nói của dân làng Tứ Xã tục gọi là kẻ Gáp: Xưa nay làng Gáp luôn có số dân đông nhất ở tỉnh Phú Thọ. Làng này ít nhất đã có 4000 nghìn năm tuổi bởi có đủ các di chỉ khảo cổ học từ văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn. Lễ hội cổ truyền của làng này đậm đặc dấu ấn văn hoá nguyên thuỷ bởi con người khi ấy rất trọng sinh thực khi và tín ngưỡng phồn thực gắn với triết lý âm dương. Xa xưa, kẻ Gáp là vùng đầm bãi lớn nhất ở lưu vực sông Hồng. Đây là nơi người Việt Cổ kéo đến tạo nên những làng Việt đầu tiên ở lưu vực sông Hồng để rồi sau đó nhờ biển lùi mới hình thành đồng bằng Bắc Bộ ở phía dưới mà đỉnh của vùng tam giác Châu ấy là Việt Trì ngày nay. Do yếu tố ấy mà kẻ Gáp hay xã Tứ Xã huyện Lâm Thao là một trong những nơi có nhiều di chỉ khảo cổ học nhất. Cư dân sống ở làng này lúc nào cũng đông đúc nhất, hùng mạnh nhất giúp cho họ có bản lĩnh đến mức bảo thủ để bảo tồn phong tục cổ, giọng nói cổ trở thành một ốc đảo ngôn ngữ (về mặt âm vị). Do vậy mới là nơi cuốn hút các nhà khảo cổ học, sử học, xã hội học, dân tộc học, ngôn ngữ học đổ về nghiên cứu suốt ba bốn thập kỷ qua. Người ta đoán người kẻ Gáp là nơi duy nhất ở Phú Thọ có giữ được giọng nói của người Việt Cổ giống hệt với giọng nói Thanh Hoá ngày nay.
Hầu như làng nào ở Phú Thọ cũng có những dòng họ từ Thanh Hoá ra. Hầu hết là những họ lớn, họ khoa bảng. Làng cổ Lâu Thượng - Việt Trì, tương truyền là nơi xưa có Lầu Thượng của vua Hùng cũng có ba dòng họ lớn, ghi trong gia phả từ Thanh Hoá ra như: Họ Bùi Phúc, họ Vũ Phúc và họ Đỗ Phúc. Các họ còn lại có nguồn góc Thanh Hoá hay không? chưa ai giải đáp được vì mất gia phả và không ai truyền lại. Đỗ Phúc là một họ khoa bảng. Khoa thi Hán học cuối cùng còn có người đỗ cử nhân. Thời Lê Trung Hưng có ông Đỗ Phúc An đỗ phủ sinh. Sau khi đỗ kỳ thi hội, ông vào Phủ Chúa Trịnh thi đỗ phủ sinh được bổ chức "Thị lang bộ binh kiêm thi tướng..." làng Xuân Lũng sau tách một nửa thành xã Xuân Huy là địa danh duy nhất ở Phú Thọ xứng đáng với tên là đất văn hiến vì luôn luôn có nhiều người đỗ đạt và sự nghiệp văn chương lưu truyền hậu thế. Ngày nay còn biết họ Lê Huy một họ lớn, khoa bảng ở làng này có gốc gác từ Thanh Hoá ra. Xã Đức Bác xưa gọi Đức Liệp có tên tục là Kẻ Lép, cũng là một làng cổ ven bờ sông Lô cách cầu Việt Trì không xa, thời Lê Thánh Tông có ông Triệu Tuyên Phù thi đỗ trạng nguyên. Chú ông là ông Triệu Thái cũng đỗ đầu khoa minh kinh thời Lê Sơ (bậc trạng nguyên sau này). Vua Lê Thánh Tông hỏi quê quán vị quan tân khoa họ Triệu. Ông Triệu Tuyên Phù thưa: "Kẻ hạ thần quê ở kẻ Lép". Vua Lê Thánh Tông vốn hay chữ trọng phép tắc đạo Nho không ưa lối nói "nôm na mách qué" của Tuyên Phù. Vì thế người phán xuống 4 bậc thành tiến sỹ thường. Về sau Tuyên Phù ngã ngựa chết ở làng Cao Phong (Lập Thạch). Dân gian đồn ông vì mất ngồi trạng nguyên phẫn chí mà tự vẫn. Kẻ Lép quê quán của Triệu Tuyên Phù cũng từ kẻ Lép làng Đức Liệp từ Thanh Hoá chuyển ra.
Người Mường ở Phú Thọ ngày nay chỉ còn sống ở hai huyện miền núi Thanh Sơn, Yên Lập và vài xã huyện Thanh Thuỷ nhưng xa xưa người Mường ở hầu khắp các huyện từ Việt Trì đến thị xã Phú Thọ. Ngày nay chẳng mấy làng không có các họ Đinh, Quách, Bạch, Hà, Cao là những họ gốc Mường và những ngôi miếu gọi là "miếu Mường". Nhiều khu ruộng gọi là khu na. Nguời Mường ngày nay vẫn gọi là ruộng là na. Về sau người Mường hoặc là "Kinh hoá" hoặc là lùi vào núi vừa làm lúa nước vừa trồng lúa nương kết hợp chăn nuôi với săn bắt va hái lượn tự nhiên. Một bộ phận Việt Cổ ở trung du Phú Thọ tràn về xuôi (theo biển lùi) khai khẩn và phát triển miền Trung Châu. Do vậy Phú Thọ thành nơi thưa dân cách đây ba bốn thập kỷ thành phố Việt Trì vẫn còn nhiều rừng hoang và thú dữ. Dân đồng bằng gọi Phú thọ là sơn cước. Tỉnh Thanh Hoá và Phú Thọ đều là địa bàn người Việt Cổ phát triển nhưng Phú Thọ là tỉnh trung du và miền núi. Tỉnh Thanh Hoá có lợi thế hơn vừa có rừng núi vừa có miền đồng bằng phì nhiêu với vựa thóc lớn: " Được mùa Nông Cống sống mọi nơi". Do vậy cư dân Thanh Hoá phát triển liên tục không những từ thời nguyên thuỷ mà cả suốt thời trung cận đại.
Người Việt Cổ ở Thanh Hoá đầu tiên sinh tụ ở thượng nguồn sông Mã. Về sau cũng theo nguyên tắc biển lùi, cư dân Việt Cổ tràn xuôi lập làng làm lúa nước hình thành dần các làng Việt Cổ ở đây. Bộ phận cư dân này cũng giống như ở kẻ Gáp Phú Thọ do ảnh hưởng các dòng văn hoá khác mà thành người Việt hiện đại - người kinh khác với bộ phận người Mường cư trú ở rừng núi. Vì Thanh Hoá lúc nào cũng có số dân đông hơn Phú Thọ lại do lịch sử phát triển liền mạch nên họ bảo lưu bền vững phong tục tập quán, nhất là giọng nói.
Do dân đông, do chạy loạn thay vua đổi chúa mà người Thanh Hoá luôn phải phiêu tán đi tỉnh khác. Ít khi họ đến Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh đất chật, người đông và cũng khó thích nghi với các vùng địa lý quá hiểm trở nước độc, rừng thiêng như Sơn La, Hoà Bình, Bắc Cạn... địa điểm thích hợp chính là Phú Thọ có nhiều nét tương đồng về văn hoá từ thời tiền sử. Ở Phú Thọ có rừng rậm rạp, đất đai phì nhiêu lắm lâm thổ sản, sông suối đầm bãi nhiều, lắm tôm cá là miền đất hoang mầu mỡ ngon lành để tạo nên dòng di dân ngược từ các tỉnh đồng bằng đông dân đến chủ yếu từ Thanh Hoá ra. Hiếm một làng nào ở Phú Thọ lại không có họ lớn mà người ta biết chắc chắn tổ tiên họ từ Thanh Hoá ra. Không những ở vùng ngoài mà cả vùng trong hai huyện Thanh Sơn, Yên Lập xưa thuộc đất tỉnh Muờng, một vùng khá đậm đặc các di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hoá Đông Sơn và Tiền Đông Sơn cũng có rất nhiều họ lớn tương truyền tổ tiên họ từ Thanh Hoá ra.
Phú Thọ và Thanh Hoá là những địa bàn sinh tụ của cư dân Việt Cổ từ thời trước sử và ngày nay trong thành phần cư dân hiện đại số người có gốc gác từ Thanh Hoá ra chắc chắn chiếm tỷ lệ rất cao
Tìm hiểu dòng di dân từ Thanh Hoá ra Phú Thọ cũng như tìm hiểu cư dân vùng đất Tổ là một hướng tìm về lịch sử, văn hoá cội nguồn của dân tộc ta.
Nguyễn Hữu Nhàn
 

Facebook Comment

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top