P
pvchien
Khách vãng lai
Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc-Nam của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, là cầu nối giữa các vùng kinh tế Bắc Bộ với Trung Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, đồng thời là một cửa ngõ kết nối với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của khu kinh tế Nghi Sơn xuất phát từ những lợi thế đặc biệt của khu vực này. Nghi Sơn là một trong rất ít những địa điểm ở Bắc Việt Nam có điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu, là điều kiện để thu hút những dự án có quy mô lớn, các dự án công nghiệp nặng gắn với cảng như lọc hoá dầu, luyện cán thép, đóng mới và sửa tàu thuyền, sản xuất nhiệt điện... và là cửa ngõ để giao lưu quốc tế.
Về tiềm năng của Nghi Sơn, đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khảo sát năm 1996 đã nhận định: “Nằm ở cuối phía nam bờ biển Thanh Hoá, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu có độ sâu từ 15-18m. Sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào KCN, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp sẽ cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng bắc Trung Bộ và của cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc...”
Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, Nghi Sơn còn có địa hình cao, nằm cạnh những mỏ đá vôi lớn vào loại nhất trong cả nước làm vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Dân số của KKT Nghi Sơn là 80.590 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khoảng 43.598 người (chiếm 54,1% dân số khu vực), 60% tốt nghiệp PTTH, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật và đào tạo thành lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp hiện đại. Quy mô dân số của KKT Nghi Sơn đến năm 2015 là khoảng 160.000 người; đến năm 2025: khoảng 230.000 người.

Chính phủ đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, sửa chữa và đóng mới tàu biển, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu… gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Nghi Sơn, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp hướng tới xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.
Được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006, KKT Nghi Sơn, có tổng diện tích 18.611.8 ha, trên phạm vi 12 xã thuộc huyện Tĩnh Gia. Trong đó khu bảo thuế là 550 ha, khu vực thuế quan: 10.498 ha (Đất xây dựng công nghiệp: 2.965 ha; Khu cảng biển: khoảng 860 ha; Đất giao thông: 1.201 ha; Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: khoảng 40 ha…), đất khác trong khu kinh tế: 7.563,8 ha.