Tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%

nguoiduatin

Thành viên
Đề án xây dựng phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%

Nội dung đề án:
+ Dự báo quy mô và số lượng đô thị:
* Đô thị loại I:
- Thành phố Thanh Hóa và khu vực mở rộng;
* Đô thị loại II, III:
- Đô thị Nghi Sơn – Tĩnh Gia;
- Thị xã Bỉm Sơn
- Thị xã Sầm Sơn
* Đô thị loại IV:
- Đô thị Ngọc Lặc;
- Đô thị Lam Sơn – Sao Vàng.
* Nhóm đô thị loại V:
- Các đô thị loại V – thị trấn huyện lỵ, công nghiệp, dịch vụ;
- 17 đô thị thành lập mới, loại V – thị trấn công nghiệp, dịch vụ
+ Dự báo tổng dân số đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt khoảng 908.100 người/3.696.000 người toàn tỉnh, đạt tỷ lệ đô thị hóa 25%.
Trong đó:
- Dân số đô thị hiện tại khoảng 448.560 người;
- Dân số đô thị tăng thêm do mở rộng địa giới khoảng 330.000 người;
- Dân số đô thị tăng tự nhiên khoảng 20.000 người;
- Dân số tăng cơ học khoảng 89.540 người.

Mục tiêu đô thị hóa 25% đến năm 2015
Hiện nay, hệ thống đô thị của Thanh Hóa chưa phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa (tính đến năm 2009) chỉ đạt 13,2% và là một trong năm tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất cả nước .
Chức năng kinh tế của các đô thị còn yếu, chủ yếu mới đảm nhận được chức năng hành chính, chính trị. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư... Nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên, xây dựng Thanh Hóa đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 25%, tương ứng với tỷ lệ đô thị hóa bình quân của cả nước.

Để “giải bài toán” phát triển đô thị Thanh Hóa đến năm 2015, Sở Xây dựng đã đề xuất xây dựng phương án là chủ yếu tập trung khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đô thị với tập trung mở rộng địa giới hành chính một số đô thị trọng yếu, tích cực thành lập các đô thị mới.

Với tầm nhìn hệ thống đô thị Thanh Hóa phải trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của các huyện, thị, vùng miền trong tỉnh, dự kiến sẽ hình thành 2 trục đô thị chính trên cơ sở các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, hình thành 5 cụm đô thị động lực: Thanh Hóa - Sầm Sơn, Nghi Sơn - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và đô thị Ngọc Lặc. Hình thành tứ giác tăng trưởng phía Bắc: TP Thanh Hóa, Bỉm Sơn, đô thị Ngọc Lặc và Lam Sơn - Sao Vàng trên cơ sở khung không gian của Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217 và tỉnh lộ Vân Du -Bỉm Sơn. Hình thành tam giác tăng trưởng duyên hải phía Nam, gồm TP Thanh Hóa - Sầm Sơn - đô thị Nghi Sơn. Hình thành các tuyến điểm đô thị dọc đường biên giới miền Tây Thanh Hóa. Gắn kết việc phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu du lịch, khu bảo tồn sinh thái với việc phát triển như Bá Thước, Nghi Sơn, các hồ: Yên Mỹ, Sông Mực, Cửa Đạt, rừng quốc gia Pù Luông, khu công nghiệp đô thị Ngọc Lặc, Bãi Trành và các điểm du lịch văn hóa khác. Đề án hướng đến mục tiêu đến năm 2015, dân số đô thị toàn tỉnh đạt khoảng 908.100 người/3.696.000 người dân toàn tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 đạt 25%. Tăng số lượng đô thị hiện nay (33 đô thị) lên từ 50 đến 53 đô thị.

Kịch bản phát triển các hệ thống đô thị đến năm 2015 kết hợp giữa đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đô thị với việc tập trung mở rộng địa giới một số đô thị trọng yếu như TP Thanh Hóa, Sầm Sơn và nhanh chóng thành lập các đô thị mới. Theo đó, TP Thanh Hóa mở rộng địa giới sang 19 xã, thị trấn của các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa. Để thực hiện được mục tiêu này, trên cơ sở quy hoạch chung điều chỉnh TP Thanh Hóa đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND TP Thanh Hóa chủ động phối hợp với các sở và các huyện liên quan lập hồ sơ điều chỉnh địa giới hành chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thị xã Sầm Sơn mở rộng địa giới hành chính sang 6 xã của huyện Quảng Xương. Trên cơ sở quy hoạch chung điều chỉnh được duyệt, UBND thị xã Sầm Sơn chủ động phối hợp với các sở liên quan và UBND huyện Quảng Xương để lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước năm 2013. Thị xã Bỉm Sơn xây dựng các khu công nghiệp thu hút khoảng từ 12 đến 15.000 lao động vào đô thị, đạt đô thị loại III trước năm 2015, quy mô dân số khoảng 90.000 dân. UBND thị xã Bỉm Sơn lập, trình duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị xã đến năm 2025, sau khi quy hoạch chung được duyệt, chủ động phối hợp với các sở và các đơn vị liên quan lập chương trình phát triển đô thị để nâng cấp thị xã Bỉm Sơn thành đô thị loại III trước năm 2015. Khu Kinh tế Nghi Sơn - thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia lập quy hoạch và các đề án hình thành mới các thị trấn: Hải Bình, Nghi Sơn, Hải Thanh, Hải Ninh; nâng cấp, mở rộng thị trấn Còng sang xã Nguyên Bình, Bình Minh, Hải Hòa, Hải Nhân thành đô thị loại V. Trên cơ sở hình thành và phát triển các đô thị nêu trên (quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh Bắc Nghệ và quy hoạch xây dựng vùng huyện Tĩnh Gia) đến năm 2015 để lập đề án thành lập thị xã hoặc thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh, quy mô 120.000 dân. Mục tiêu đến năm 2012-2013 hoàn thành việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đô thị để đến năm 2015, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì tiến hành lập đề án thành lập thành phố (đô thị loại III) Nghi Sơn - Tĩnh Gia. Đô thị miền Tây Thanh Hóa - thị trấn Ngọc Lặc: điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc sang các xã Quang Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn và một phần các xã Ngọc Khê, Thúy Sơn hình thành đô thị mới trung tâm vùng miền núi Tây Thanh Hóa, đưa khoảng 20.000 dân vào dân số đô thị, nâng dân số đô thị này lên 30.000 người. Nâng cấp thị trấn huyện lỵ Ngọc Lặc từ đô thị loại V lên đô thị loại IV. UBND huyện Ngọc Lặc phối hợp với các sở liên quan lập hồ sơ điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai đề án nâng cấp thị trấn Ngọc Lặc thành thị xã Ngọc Lặc.

Ngoài ra, tập trung cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp 17 thị trấn huyện lỵ và thị trấn công nghiệp còn lại. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng và đề án thành lập thị trấn cho 23 đô thị mới, quy mô dân số mỗi đô thị từ 4.000 đến 15.000 người. Các chương trình phát triển hệ thống đô thị Thanh Hóa đến năm 2015, bao gồm: phát triển kinh tế đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một cách đồng bộ; xây dựng chương trình phát triển nhà và công trình hạ tầng xã hội; cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có; xây dựng chương trình quản lý đô thị trong thời gian tới. Về các giải pháp phát triển đô thị, ngoài nhóm giải pháp về nguồn vốn và chính sách tài chính ưu đãi, các nhóm giải pháp chính đã được đề cập như nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị trên địa bàn; chú trọng thu hút, hấp dẫn và xúc tiến đầu tư cho các đô thị; quản lý xây dựng theo quy hoạch và quản lý đô thị, đặc biệt là các thiết chế quản lý, bộ máy nhân sự, nguồn nhân lực, cơ chế vận hành cho các cơ quan quản lý quy hoạch, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền đô thị; cơ chế, chính sách phát triển đô thị cho toàn hệ thống, cho riêng nhóm đô thị và cụ thể cho các đô thị trọng điểm.

Ngoài các huyện, thị xã, thành phố nêu trên, UBND các huyện còn lại, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng đô thị được duyệt, chủ động tạo nguồn vốn để cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các đô thị; phối hợp với các ngành liên quan lập quy hoạch chung xây dựng và đề án thành lập 23 đô thị mới trình UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành việc thành lập các đô thị mới.

Mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt đô thị hóa 25%, công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, địa phương, thủ trưởng các ngành liên quan và chủ tịch UBND huyện cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đây là một đề án thực hiện trên phạm vi rộng, đa ngành, đa cấp, nằm trong chương trình chỉ tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thực sự cần thiết và cấp bách, vì vậy cần huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ, hợp tác của các địa phương, đơn vị sẽ góp phần quan trọng hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 đạt mục tiêu đô thị hóa 25%.

Thạc sĩ Ngô Văn Tuấn
Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa
 

Facebook Comment

Chủ đề tương tự

Chủ đề được quan tâm nhất

Top