Sống tùy duyên tâm thêm an lạc

anhtien8

Thành viên


NGŨ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT

Nhân loại hiện sống trong lo âu, chán nản, mệt mỏi, điên dại, hồi hộp, sợ hãi… đều bởi tất cả mọi người không biết giữ giới mà ra. Ngày nào nhân loại thức tỉnh, biết áp dụng ‘‘Ngũ giới’’ vào đời sống thực tế ngày ấy thế gian đau khổ này sẽ trở thành thiên đường hiện tại. Chẳng những thế, ngũ giới còn là nền tảng cơ bản để đi đến chỗ giải thoát an lạc. Nhưng nếu không giữ giới thì cũng chỉ như mới bước lên bậc thang đầu tiên rồi dừng lại ở đó mà thôi. Giáo pháp là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho chúng ta, còn giới luật là một vị thầy sứng đáng để chúng ta học tập. Như chư Phật đã dạy các đệ tử trước khi nhập niết bàn : ‘‘ Các ông hãy lấy giới luật làm thầy ’’.
Ngũ giới là năm điều giới cấm di đức Phật chế ra. Năm điều này trên tâm từ bi, trên phương diện dứt trừ tội lỗi mà thành lập. Bởi giáo lý của chư Phật là những phương thuốc chữa bệnh cho chúng sinh và nương theo đó chúng sinh muốn hết bệnh ắt phải thực hành theo đó mà tu hành, cũng như Lương Y chế ra những phương thuốc phù hợp với thể trạng sức khỏe và bệnh nặng nhẹ mà cho bệnh nhân uống, bệnh nhân vâng lời y theo mà chữa trị thì sẽ hết bệnh, cũng thế chúng sinh biết vâng lời chư Phật y theo đó mà thực hành giáo pháp thì mới thật sự hết bệnh khổ, tiến đến giải thoát và an lạc được.
Tất nhiên giới luật không bắt buộc chúng ta phải giữ hết, tùy khả năng hoàn cảnh mỗi người, có thể giữ được càng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Giới cũng như những chiếc cửa để vào nhà, khi ta giữ được một cửa thì tránh được một phía khỏi bị trộm vào nhà, đóng hai cửa thì đỡ hai phần, cứ như thế giữ trọn được giới luật thì chúng ta hoàn toàn an ổn.

Giới thứ nhất : Không Giết Hại
Nghĩa là không được giết hại sinh mạng, từ loài người cho đến các loài vật. Bởi vì mạng sống vốn là quý giá đối với loài người cũng như muôn vật. Tuy thân tướng có khác nhưng bản thể thì chẳng có sai khác, nói một cách khác đều được tạo thành từ những nguyên tố hóa học mà ra. Do nghiệp lực chiêu cảm mà tạo hóa nhân duyên sanh thân khác nhau.
Chính Khổng Tử đã nói rằng :
‘‘ Văn kỳ thinh bất nhẫn thực kỳ nhục
Kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử ’’
Nghĩa là : nghe tiếng kêu la của một con vật không nỡ ăn thịt nó, thấy nó sống không đành thấy nó chết.
Tổ sư Diên Văn đã than :
Thiên bá niên lai uyển lý canh
Oán thân như hải hạn nan bình
Dục chi thế thượng đao binh kiếp
Thã thính đồ môn bán dạ thinh !
Dịch :
Hằng ngày giữa bát canh ăn
Oán sâu bể thẳm hận bằng non cao
Muốn thấy binh lửa thế nào ?
Hãy nghe quán thịt tiếng gào đêm thâu !
Chư Phật dạy : ‘‘ Thường sinh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sinh tử không có ngày ra khỏi’’ (Kinh Lăng Già ). Để giải thoát nghiệp khổ chẳng những Phật dạy không giết hại mà còn phải phóng sinh cứu mạng chúng hữu tình nữa.
Chúng ta ai cũng coi sinh mạng mình đều là đáng tôn trọng, nếu ai muốn mưu hại mình thì chống trả triệt để. Mình đã biết quý trọng sinh mạng mình lẽ nào muôn loài thì không, do sanh thân khác nhau nên phước báo khác nhau, nhưng suy rộng ra đều đồng nhất. Chiếu theo lẽ công bằng thì điều mà ta không muốn ai làm với mình thì ta đâu nỡ gieo cho kẻ khác hay loài khác được. Vì lẽ đó để tôn trọng sinh mạng của mọi loài, để hợp lý công bình, đức Phật cấm giết hại người và các loài vật.
Vẫn biết giết hại là tạo nhân khổ, phóng sinh là gieo nhân vui, nhưng người tại gia còn ăn mặn, còn làm công kia việc nọ thì khó tránh khỏi phạm giới. Ở đây không buộc chúng ta phải giữ triệt để, chỉ cần giữ phần quan trọng là không giết người và các con vật to lớn như trâu, bò, lợn, chó…còn những con vật bé hơn như cá, tôm, ốc, của… thì cần tránh dần dần đươc bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Giữ được giới sát sinh tâm ta sẽ an ổn đôi phần, vì khỏi lo người thù oán về phương diện giết hại, suy rộng trong xã hội nếu mọi người có thể đều không giết hại thì còn gì tốt đẹp hơn. Nhân loại không giết hại thì đảm bảo được nền hòa bình thế giới vậy.

Giới thứ hai : Không trộm cắp
Nghĩa là không lấy tài sản của người, khi người không bằng lòng cho. Những thứ quý giá như vàng, bạc, châu ngọc… cho đến những vật dùng sinh hoạt hằng ngày như rau cỏ, trái cây… thuộc quyền sở hữu của người nếu không được phép thì không được lấy. Ăn trôm cũng rất nhiều hình thức như đo gian, đong thiếu, lừa bịp, dụ dỗ…chúng ta không muốn ai lấy của mình sao nỡ gieo nhân lấy của người được.
Thái Tông Hoàng Đế có bài kệ :
Tạc bích xuyên tường ý bất hưu
Thiên ban bách kế khổ vinh cầu
Kim sinh cầu đắc tha nhân vật
Bất giác chung thiên thọ mã ngưu
Dịch:
Khoét vách đào tường chí những đâu
Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu
Của người dầu có đời này được
Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu.
Trộm cướp là một hiểm họa cho mình và cho người, nên phật tử chân chính luôn luôn phải tránh. Tự mình không trộm cướp là đã giải thoát được ngục tù về tội trộm cướp, nếu một ngày nào đó trong xã hội không còn gian tham, trộm cướp thì nhà nhà chẳng cần phải đóng cửa, người người thì được an tâm. Người không trộm cướp tức là đã âm thầm ban cho mọi người sự an ổn. Hàng nho tử có câu: ‘‘Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ’’. Cũng chính vì vậy mà những người trộm cướp không ai muốn thân cận.

Giới thứ ba: Không tà dục
Nghĩa là không phạm đến trinh tiết của người, ngoài vợ chồng chính thức. Người phật tử tại gia được phép có đôi bạn nhưng phải chính thức rõ ràng, tất cả sự lang chạ thầm lén không hợp pháp đều phạm giới tà dục. Mỗi người ai cũng muốn gia đình hạnh phúc đầm ấm, con em mình thanh bạch, thì sao lại gieo nhân làm tổn hại đến gia môn và nhân phẩm người được. Hạnh phúc đâu còn khi mà vợ chồng không tin tưởng nhau.
Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục, cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Người có tâm xấu xa, đam mê tửu sắc không sớm thì muộn sẽ tự mình gánh lấy hậu quả, người giữ giới tà dục thanh tịnh thì phẩm giá được nâng cao, gia đình đầm ấm, ai nấy đều mến chuộng tin yêu. Vì không bị sắc dục lôi cuốn xao động.
Người không tà dục đời này và đời sau sinh thân nơi đâu cũng được hạnh phúc, gia đình hòa thuận, anh em đầy đủ, con cháu hiếu kính.

Giới thứ tư: Không nói dối
Nghĩa là không nói những lời sai sự thật, khác với ý nghĩ. Thấy có nói không, cốt lừa bịp người, hoặc ý nghĩ một đường nói ra một ngã, hoặc vì tâm ác độc nói lời ly gián, làm cho ân nghĩa chia lìa, gây cho đôi bên sinh oán thù…tất cả điều đó đều đem đến mất long tin đối với người, khi mọi người không tin thì kẻ đó sẽ sống trong xã hội cũng bằng thừa. nếu tất cả mọi người đều dối trá ngụy biện như thế thì nghiệp báo xã hội sẽ sớm đi vào thời tàn lụy. Lời nói không phải là thanh kiếm nhưng có thể giết chết người trong chốc lát.
Phật dạy:
“ Phù sĩ xử thế phủ tại khẩu trung
Sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn”.
Nghĩa là phàm kẻ ở đời, lưỡi dao sắc bén nằm ở trong miệng, sở dĩ chém mình do lời nói ác. Đã đành nói xuyên tạc, nói ly gián để hại người nhưng trước khi hại người đã tự hại mình. Có một số người tưởng nói dối để lừa bịp, qua mặt người là khôn, là hơn người. Nghĩ thế là lầm to! Mỗi khi nói dối người, chính mình đã tỏ ra khiếp nhược. Giống như đứa trẻ khi làm hỏng đồ của cha mẹ, trước mặt cha mẹ, nó có vẻ mặt thất thần và sợ bị mắng nên cố gắng nói dối che đậy, nhưng kỳ thực thì càng nói dối càng dìm mình xuống mà thôi.
Nói dối là một tai hại lớn tuy nhiên vì mục đích cứu nhân thì trong vài trường hợp có thể cho phép. Tóm lại, người tu theo đạo Phật là cầu đạo cho chính mình, cho người được an lạc và đem tình thương ban cho nhân loại nên không thể nói dối mà phải đối đãi bằng tâm chân thật.

Giới thứ năm: Không uống rượu
Nghĩa là tất cả những chất làm say người đều không được uống, chính mình không được uống và mời người uống. Rượu làm mê mờ tâm trí người, khiến cho tâm trí đảo điên không tự chủ, mất đi bản tánh chân thật hiện có. Thường ngày ta không uống rượu thì đủ lý trí để phán đoán sự việc tốt, xấu, đúng, sai… nhưng khi đã uống rượu thì cả người như lửa đốt, tâm trí mất bình tĩnh, nóng giận bất thường khiến cho nhân cách giảm sút, thường gây tai họa.
Người không uống rượu, tâm hồn điềm tĩnh, trí tuệ minh mẫn, gặp việc phán đoán kỹ càng, tu hành chóng đắc định huệ. Mặc dù vậy trong một số trường hợp có thể dùng để chữa bệnh cứu người, chữa cho chính mình thì có thể dùng lượng vừ đủ. Để dễ tu hành đức Phật ngăn cấm các phật tử không được uống rượu.

Như vậy năm giới trên là giáo chỉ để một người hướng đạo không chỉ riêng chư Tăng, Ni,các phật tử tại gia mà còn đối với tất cả chúng hữu tình, những ai đã có tâm cải tạo, xây dựng xã hội tiến tới đạo giác ngộ đều nên giữ năm giới mà chư Phật đã khuyên giữ.
https://www.facebook.com/Sống-Tùy-Duyên-1721284828131253/?ref=bookmarks
 

Facebook Comment

Chủ đề tương tự

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top