• Lưu ý đọc kỹ nội quy trước khi đăng bài để tránh bị bannick, xóa bài. Xem hướng dẫn đăng bài và tính năng UP tin miễn phí
  • Thông báo về việc đăng bài & đăng ký thành viên áp dụng tại thread Hot news, Projects & Developments
    - Phải đăng ký thành viên mới có thể đăng bài tại thread này.
    - Nếu gặp khó khăn khi đăng ký, vui lòng liên hệ qua email : thanhhoaonline.net@gmail.com để được hỗ trợ đăng ký và kích hoạt tài khoản.

Review : Thanh Hóa 2015

nguoiduatin

Thành viên
Chuyển động những con số :
Năm cũ đã qua đi, nhưng có một ấn tượng đến giờ tôi vẫn nhớ, đó là phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI. Tại đây khá nhiều con số trong năm 2015 được đề cập, đó là Thanh Hóa có năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; cũng là năm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 4 năm gần đây, với 11,8%; thu ngân sách nội địa đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2010.
“Con số đó rõ ràng phản ánh sự tăng trưởng, lớn mạnh của kinh tế Thanh Hóa”. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định như thế, và thật khó để quên nụ cười vì tương lai tương sáng hơn mà người lãnh đạo cao nhất tỉnh đã để lại ở phiên thảo luận của kỳ họp.
Đúng là Thanh Hóa đang chuyển động mạnh mẽ, và sức vươn không chỉ còn bó hẹp ở một, mà nhiều lĩnh vực. Những con số có vẻ cơ học, nhưng con số chính là đáp số phản ánh trung thực chất lượng lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Những con số mà chỉ vài ba năm trước thật ít người dám nghĩ đến. Cứ đà này, khi Khu kinh tế Nghi Sơn với sự hoàn chỉnh về hạ tầng, các dự án lớn đồng loạt đi vào hoạt động, đặc biệt là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nguồn thu của Thanh Hóa còn tăng cao nữa. Lúc đó chúng ta không chỉ chủ động điều tiết được thu - chi từ ngân sách địa phương, mà có thể còn gia nhập tốp “ông lớn” về thu ngân sách của đất nước. Cứ nhìn vào sự tấp nập của người, của xe và ầm ào tiếng máy ở những nơi chúng tôi vừa đi qua, cả nơi đang hướng mắt đến, thì thấy điều mong ước là có cơ sở.
Cuối năm 2015, phát biểu tại Lễ khánh thành dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Công Thanh ở xã Tân Trường (Tĩnh Gia), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã khẳng định, với sự ra đời của dây chuyền này, Thanh Hóa sẽ đóng góp tới 1/4 sản lượng xi-măng của cả nước. Nhà máy Xi-măng Công Thanh số 2 với công suất 12.500 tấn Clinker mỗi ngày đang là nhà máy có công nghệ thân thiện, hiện đại bậc nhất thế giới, và là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.

Nhà máy xi măng Công Thanh
Ngang tầm với số vốn đầu tư 510 triệu đô la của dây chuyền 2 Nhà máy Xi-măng Công Thanh, thời gian qua Thanh Hóa đã đón nhận thêm khá nhiều dự án mới. Với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, Thanh Hóa đã tạo được sức hấp dẫn thực sự và đang trở thành vùng “đất hứa” với nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do trả lời vì sao năm 2015 huy động vốn cho đầu tư phát triển của tỉnh lại đạt tới con số 112.730 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2014, và còn dự báo tăng cao hơn nữa trong năm 2016. Bức tranh vui từ những “đầu tầu” công nghiệp
Vùng kinh tế động lực Nghi Sơn :
Trước mắt chúng tôi, con đường 513 “xương sống” của Khu kinh tế, cũng là đường xuống Cảng Nghi Sơn là một đại công trường. Theo Phó trưởng BQL Khu kinh tế Nghi Sơn Lê Thanh Hà thì, năm 2016 này con đường sẽ được nâng cấp lên tới 14 làn xe, để những công - ten - nơ hàng hóa được vận chuyển từ những nhà máy đang nhả khói ở hai bên đường kia được thuận lợi đưa lên những chuyến tàu công suất lớn đến với nhiều thị trường khó tính của EU, Bắc Mỹ. Cảng Nghi Sơn với độ sâu hiện tại đón tàu trọng tải 30.000 tấn đã chứng kiến thép, xi măng, may mặc, giầy da, gỗ dăm, dầu ăn, đá xuất bến; và chỉ chừng 2 năm nữa - khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại sẽ có dầu thành phẩm chuyên chở từ Cảng Nghi Sơn xuất khẩu đem thêm ngoại tệ mạnh về cho đất nước. Với chính sách thu hút đầu tư đặc biệt, đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã có 59 dự án hoạt động với giá trị sản xuất công nghiệp - dịch vụ ước đạt 44.500 tỷ đồng. Xuân này còn là dấu mốc đánh dấu sự lớn mạnh của Khu kinh tế động lực này khi vừa được mở rộng ra toàn huyện Tĩnh Gia và 6 xã của huyện Nông Cống, Như Thanh với tổng diện tích sau điều chỉnh lên tới 106.000 ha. Nghi Sơn - Tĩnh Gia cũng đang đứng trước cơ hội trở thành đô thị loại 3 ngang bằng với thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn.

Đại công trường lọc hóa dầu Nghi Sơn

Bên cạnh các dự án công nghiệp, 5 năm qua Nghi Sơn còn thu hút 20 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội với tổng vốn đăng ký lên tới 28.911 tỷ đồng. Một số dự án đã đi vào hoạt động toàn bộ hoặc một phần như Nhà máy sản xuất nước sạch, các bến cảng tổng hợp số 3, 4, 5. Đặc biệt, tuyến đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Nghi Sơn dài 65 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4.100 tỷ đồng sau hơn 1 năm khởi công đã lộ diện hình hài, hứa hẹn sự tiện lợi trong giao thương, tạo thêm động lực để phát triển công nghiệp, du lịch. Về dịch vụ, một số dự án đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao như khu du lịch và nghỉ dưỡng Bắc đảo Nghi Sơn, khách sạn Nghi Sơn.
Chúng tôi đã có mặt ở tổ hợp dịch vụ hậu cần của Tổng Công ty Anh Phát thuộc xã Mai Lâm, chỉ cách Nhà máy Lọc hóa dầu và Nhiệt điện Nghi Sơn chưa đầy cây số để chứng kiến một khu nghỉ dưỡng với những căn biệt thự sang trọng dựa lưng vào núi Xước, hướng mặt ra hồ Quế Sơn tạo cảm giác yên bình giữa một khu công nghiệp tấp nập. Ở đó, khách nghỉ có thể được phục vụ hoặc tự phục vụ tùy cách chọn. Dự kiến sắp tới sẽ có hàng trăm chuyên gia nước ngoài làm việc tại Nghi Sơn ăn ở tại đây.

Cùng với sức vươn của Nghi Sơn, Thanh Hóa còn có 8 khu công nghiệp. Ngoài Lễ Môn, Đình Hương - Tây Bắc Ga ở thành phố Thanh Hóa, Lam Sơn - Sao Vàng ở Thọ Xuân và Bỉm Sơn nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đã cơ bản ổn định, những năm gần đây bức tramh các khu công nghiệp tỉnh Thanh lại có thêm những “mảng màu” tươi mới, đó là Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa), Thạch Quảng (Thạch Thành), Bãi Trành (Như Xuân) và Ngọc Lặc nơi đô thị miền Tây với nhiều dự án lớn đang được triển khai.
2 năm trước, Thanh Hóa đón chào sự tham gia của “người khổng lồ” FLC vào đô thị du lịch biển Sầm Sơn với sân golf, những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Doanh nghiệp này cũng vừa khởi công khu công nghiệp đa ngành với tiêu chí hiện đại, đảm bảo môi trường ngay cạnh Quốc lộ 1A phía Bắc cầu Nguyệt Viên. Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi một vùng giáp ranh giữa thành phố Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, góp phần nâng tầm đô thị tỉnh lỵ.

Thêm “gam màu sáng” cho nông nghiệp - nông thôn :
Trong quá trình “làm mới” mình, Thanh Hóa không chỉ chú trọng đến công nghiệp, còn là những ngành nghề khác. Bên cạnh mô hình mía đường, cây ăn trái, hoa, bò sữa, phân bón Lam Sơn, năm 2015 Thanh Hóa lại có thêm dự án bò sữa công nghệ cao với tổng vốn đầu tư ban đầu tới 1.600 tỷ đồng trên diện tích 2.500ha tại thị trấn Thống Nhất (Yên Định) do Tập đoàn Vinamilk làm chủ đầu tư. Sự ra đời của tổ hợp quan trọng này góp phần để Yên Định trở thành huyện nông thôn mới một cách bền vững. Đến nay Yên Định đã có 22/27 xã đạt danh hiệu nông thôn mới, 3 xã đang đề nghị công nhận xã nông thôn mới, bình quân toàn huyện đã đạt 18,7/19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài những mô hình chăn nuôi, cánh đồng mẫu lớn hiệu quả tại Quý Lộc, Định Tường, Định Tiến, Yên Trường... được nhiều người biết đến, giờ huyện đã có thêm những cánh đồng với mức thu nhập tới 300 triệu đồng/ha/năm ở xã Định Bình, Yên Thọ, Định Tăng, Yên Lâm, Yên Ninh. Bên cạnh cây lúa năng suất cao, Yên Định còn đưa nhiều loại cây có múi, cây thực phẩm, rau an toàn vào canh tác trên đồng đất quê mình. Thăm những cánh đồng ớt xuất khẩu, dưa, đậu ở đây có cảm giác như đất níu lấy chân người. Sự hiệu quả từ đồng đất đang tạo ra sự khác biệt riêng có của huyện anh hùng này.
Nông thôn mới với sự tươi mới không chỉ trong tư duy mà còn ở việc làm. Thật khó địa phương nào dám “xé rào” như Yên Định trong việc đầu tư cho các xã làm mới bộ mặt nông thôn với con số lên đến cả trăm tỷ đồng bên cạnh sự huy động từ nhân dân. Với sự định hướng đúng đắn từ lãnh đạo huyện, việc “bạo gan” trong đầu tư, đến nay nông dân trong huyện đã đạt tỷ lệ cơ giới hóa gần 100% trong khâu làm đất, 95% trong khâu vận chuyển, gần 50% trong khâu thu hoạch lúa và chủ động cấy lúa bằng máy. Yên Định cũng là một trong những địa phương sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Dự án trang trại bò sữa của Vinamilk tại Yên Định
Theo Chủ tịch UBND huyện Lưu Vũ Lâm thì, xây dựng huyện nông thôn mới là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, nhưng để đảm bảo tính dài hơi, sự bền vững sau khi được công nhận, huyện sẽ còn phải đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là tìm ra một “lời giải” cho việc bao tiêu nông sản, bảo vệ môi trường. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 BCH Đảng bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường, để làm sao nông thôn Yên Định vừa hiện đại nhưng vẫn đảm bảo được môi trường sống lý tưởng.
Một hướng đi đúng, cũng là vấn đề mà nhiều địa phương trong tỉnh đang hướng tới, đã trở thành vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI mới đây.
Nông nghiệp - nông thôn và nông dân Thanh Hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.
Năm 2015 chúng ta đạt 1,73 triệu tấn lương thực, vượt 25% so với kế hoạch. Thanh Hóa cũng đã có 110 xã, 106 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là những gam màu rực rỡ tô điểm thêm cho bức tranh đồng đất, làng quê giầu cảm xúc của xứ Thanh.
Trong lộ trình để Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới lại tiếp tục được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của 5 năm tiếp theo.

Đột phá “công nghiệp không khói” :
Thông qua việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015, Thanh Hóa đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về đất và người xứ Thanh.

Quần thể du lịch FLC Sầm Sơn

Với hơn 30 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được Thanh Hóa tổ chức công phu, trang trọng, đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá cho tiềm năng du lịch của xứ Thanh; tạo sức hút du khách - vốn bị xem là điểm yếu trong thời gian qua, từ đó tạo ra “cú hích” để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển. Bởi vậy, năm 2015 Thanh Hóa đã đón tới 5.530.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt gần 5.200 tỷ đồng; các chỉ tiêu kinh doanh du lịch của Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,2%/năm, vượt 8,9% so với mục tiêu đề ra, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước 4,6% về chỉ tiêu lượt khách và 6,2% về chỉ tiêu tổng thu từ du lịch. Khu du lịch biển Sầm Sơn có sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng; nhiều dịch vụ mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác tại các khu du lịch biển Hải Tiến, Hải Hòa... Đó là sự chuyển động vui theo biểu đồ tăng trưởng, không chỉ góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh, còn tác động đến việc cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa.
Xứ Thanh đang vươn mình mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh và cách làm riêng có. Đó là niềm tin, thôi thúc chúng ta tiếp tục vươn lên giành những mục tiêu cao hơn, chinh phục những con số lớn hơn trong năm 2016 và cả nhiệm kỳ tiếp theo.
Một mùa xuân nữa đang về đem theo biết bao xúc cảm. Hãy mở cửa ra để đón nàng xuân, thả mình vào hồn xuân, và ngắm nhìn quê Thanh đổi mới.

.Anh Vũ (Báo Thanh Hóa Online)
 

Facebook Comment

Chủ đề tương tự

Chủ đề được quan tâm nhất

Top