Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

nemchua

Thành viên
Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 theo Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.

1. Mục tiêu:
- Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển du lịch Thanh Hoá đến năm 2020, đáp ứng được phương hướng và quan điểm phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá giai đoạn đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khoá XVI và Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa;
- Sớm đưa tỉnh Thanh Hóa vào Quy hoạch trọng điểm phát triển du lịch quốc gia;
- Làm cơ sở tiến hành điều chỉnh quy hoạch các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong tỉnh;
- Làm căn cứ xây dựng và thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư và phát triển du lịch theo quy hoạch được duyệt phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
2. Những định hướng lớn phát triển du lịch tỉnh:
2.1. Phạm vi nghiên cứu: toàn bộ phạm vi của tỉnh Thanh Hoá.
2.2. Tính chất hoạt động du lịch của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí; tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học; tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam; du lịch hành hương lễ hội.
2.3. Khả năng đón khách du lịch: Năm 2015 đón 100.000 lượt khách du lịch quốc tế, 4.700.000 lượt khách du lịch nội địa; năm 2020 đón 170.000 lượt khách du lịch quốc tế, 7.500.000 lượt khách du lịch nội địa.
2.4. Doanh thu và GDP ngành du lịch: Năm 2015 doanh thu du lịch đạt 309 triệu USD, GDP ngành du lịch đạt 213,37 triệu USD; đến năm 2020 doanh thu du lịch đạt 858,9 triệu USD, GDP ngành du lịch đạt 588,3 triệu USD.
2.5. Nhu cầu cơ sở lưu trú và lao động ngành: đến năm 2015 cần có lượng phòng lưu trú là 27.880 phòng và đến năm 2020 cần có 54.360 phòng; Năm 2015 giải quyết việc làm cho 109.280 lao động và đến năm 2020 giải quyết việc làm cho 260.920 lao động (kể cả lao động trực tiếp và gián tiếp).
2.6. Nhu cầu đầu tư phát triển du lịch : Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn đến 2015 là 460,9 triệu USD, giai đoạn đến 2020 là 1.312,3 triệu USD.
2.7. Tổ chức không gian du lịch tỉnh: Quy hoạch phát triển du lịch theo lãnh thổ ở Thanh Hoá gồm các điểm du lịch, khu du lịch, đô thị du lịch và tuyến du lịch như sau:
2.7.1. Tổ chức điểm du lịch:
- Bãi biển Sầm Sơn,
- Vườn quốc gia Bến En,
- Khu di tích Lam Kinh,
- Đền Bà Triệu,
- Thành Nhà Hồ (Tây Đô),
- Hàm Rồng.
2.7.2. Tổ chức khu du lịch:
2.7.2.1. Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Sầm Sơn:
Bao gồm bãi tắm biển Sầm Sơn, di tích danh thắng trên núi Trường Lệ, khu du lịch sinh thái Quảng Cư, khu du lịch Nam Sầm Sơn. Đây là khu du lịch được hình thành sớm nhất ở Thanh Hóa, hiện nay đang là tâm điểm thu hút khách du lịch, nhất là vào mùa hè. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch tương đối phát triển, có khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển của hàng vạn khách du lịch trong ngày.
- Tính chất: Là khu du lịch chuyên đề biển - Đô thị du lịch quốc gia.
- Sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan du lịch, hội nghị hội thảo, thể thao dưới nước...
2.7.2.2. Khu du lịch tổng hợp văn hoá - sinh thái Hàm Rồng:
Là khu du lịch trung tâm giữ vị trí quan trọng của du lịch Thanh Hóa, được hình thành trên cơ sở di tích thắng cảnh Hàm Rồng.
- Tính chất: Là khu du lịch tổng hợp văn hoá - sinh thái giữ vị trí trung tâm của tỉnh.
- Sản phẩm du lịch chính: Tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng (nơi có di chỉ khảo cổ học Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, các di tích lịch sử chiến tranh chống Mỹ, danh lam thắng cảnh); du lịch sinh thái; vui chơi giải trí; tổ chức hội nghị, hội thảo.
2.7.2.3. Khu du lịch văn hoá lịch sử và sinh thái Lam Kinh:
Là quần thể di tích lịch sử bao gồm bia ký, lăng mộ các Vua và Hoàng Hậu nhà Lê, nổi bật là lăng mộ vua Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng (một trong những tấm bia đá lớn nhất còn lại ở nước ta).
- Tính chất: Là khu du lịch chuyên đề lịch sử - văn hóa.
- Sản phẩm du lịch chính: Nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
2.7.2.4. Khu du lịch văn hoá lịch sử Thành Nhà Hồ:
Thành Tây Đô là một công trình kiến trúc độc đáo và kỳ vĩ, là hạt nhân chính của khu du lịch Thành Nhà Hồ và một số điểm du lịch quan trọng của huyện Vĩnh Lộc như: Đàn tế Nam Giao của Nhà Hồ mới được phát hiện, đền thờ Trần Khát Chân, Phủ Trịnh - Nghè Vẹt, động Tiên Sơn, động Hồ Công, Hoa Long Tự, Chùa Giáng… Thành Nhà Hồ cách đường quốc lộ 1A 25km, cách đường Hồ Chí Minh 20 km và có quốc lộ 217 chạy qua, rất thuận tiện về giao thông vận chuyển khách du lịch. Hiện nay, hồ sơ khoa học khu di tích Thành Nhà Hồ đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thanh Hoá hoàn thiện trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hoá thế giới.
- Tính chất: Là khu du lịch chuyên đề văn hóa lịch sử có ý nghĩa quốc gia.
- Sản phẩm du lịch chính: Tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tham quan thắng cảnh.
2.7.2.5. Khu du lịch sinh thái Bến En:
Là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng rất quan trọng trong quy hoạch tổng thể du lịch Bắc Bộ, diện tích vườn quốc gia là 6.634 ha với 21 đảo trên hồ, diện tích mặt hồ gần 4000 ha. Trong khu du lịch còn có một số di tích danh thắng như hang Lò Cao, hang Ngọc...Trung tâm Bến En cách quốc lộ 1A khoảng 30 km, cách đường Hồ Chí Minh 15 km.
- Tính chất: Là khu du lịch chuyên đề sinh thái Rừng - Hồ.
- Sản phẩm du lịch chính: Tham quan nghiên cứu khoa học; nghỉ dưỡng, chữa bệnh; thể thao, vui chơi giải trí.
2.7.2.6. Khu du lịch sinh thái Pù Luông:
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có vị trí tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình và Hoà Bình, thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hoá. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái núi đá và rừng giàu là chủ yếu, xen kẽ là núi đất nên có hệ động thực vật rất phong phú, cảnh quan hùng vĩ, hang động đẹp, khí hậu lý tưởng (trong ngày có 4 mùa), nhiệt độ không qúa 20 0C.
- Tính chất: Là khu du lịch chuyên đề sinh thái, văn hóa miền núi.
- Sản phẩm du lịch chính: Tham quan, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc miền núi; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi mạo hiểm.
2.7.3. Đô thị du lịch:
Căn cứ vị trí, tiềm năng phát triển du lịch theo định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và quy định của Luật Du lịch Việt Nam năm 2005; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 định hướng phát triển thị xã Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước.
2.7.4. Tuyến du lịch:
2.7.4.1. Tuyến du lịch nội tỉnh :
A. Tuyến du lịch đường bộ: Hệ thống tuyến du lịch đường bộ được xác định dựa trên hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 1A, quộc lộ 217, 47, 45, đường Hồ Chí Minh, các tỉnh lộ...và sự phân bố các tài nguyên du lịch tương ứng. Hệ thống này gồm :
* Tuyến du lịch thành phố Thanh Hoá - Sầm Sơn - thành phố Thanh Hoá;
* Tuyến du lịch TP Thanh Hoá - Quảng Xương - Nông Cống - Bến En;
* Tuyến du lịch thành phố Thanh Hoá - Lam Kinh - thành phố Thanh Hoá;
* Tuyến du lịch thành phố Thanh Hoá - Bến En - Lam Kinh - thành phố Thanh Hoá;
* Thành phố Thanh Hoá - Lam Kinh - Cẩm Thuỷ - Vĩnh Lộc - thành phố Thanh Hoá;
* Sầm Sơn - thành phố Thanh Hoá - Lam Kinh - suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ) - Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) - Sầm Sơn;
* Tuyến du lịch thành phố Thanh Hoá - Nga Sơn:
* Tuyến du lịch thành phố Thanh Hoá - Vĩnh Lộc - Cẩm Thuỷ - Bá Thước
* Tuyến du lịch TP. Thanh Hoá - Tĩnh Gia - Hòn Mê (đường bộ và đường thuỷ)
B. Tuyến du lịch đường sông:
* Tuyến du lịch dọc sông Mã.
* Tuyến du lịch dọc sông Chu.
C. Tuyến du lịch đường sắt : Du lịch Thanh Hoá có thể khai thác tuyến du lịch đường sắt theo tuyến đường sắt Bắc Nam
2.7.4.2.Tuyến du lịch liên tỉnh :
A. Tuyến du lịch đường bộ:
* Thanh Hoá - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Tây - Hà Nội theo quốc lộ 1A.
* Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh - các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ dọc theo quốc lộ 1A.
* Thanh Hóa - các tỉnh phía Nam, phía Bắc dọc theo đường Hồ Chí Minh.
* Thanh Hoá - Hoà Bình - các tỉnh Tây Bắc (quốc lộ 47, 15A).
* Thanh Hoá - Thường Xuân - Bát Mọt (Lào) - các nước trong khu vực (quốc lộ 217).
* Thanh Hoá - Bá Thước - Na Mèo - Sầm Nưa (Lào) - các nước trong khu vực (quốc lộ 217).
B. Tuyến du lịch đường sắt:
* Thanh Hoá - Hà Nội - và các tỉnh miền núi phía Bắc;
* Thanh Hoá - Vinh - và các tỉnh phía Nam;
2.8. Định hướng đầu tư phát triển du lịch:
- Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành.
- Đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ.
- Đầu tư tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa và tạo sản phẩm du lịch đặc thù.
- Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch.
[thanhhoa.gov.vn]
 

nemchua

Thành viên
3. Danh mục một số dự án ưu tiên phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá:
Số TT. Tên dự án --Sản phẩm du lịch điển hình/mục đích--Vốn đầu tư (Triệu USD) - (Giai đoạn đầu tư)
1. Đô thị du lịch Sầm Sơn --Du lịch nghĩ dưỡng biển tổng hợ p -- 200 (2010-1015)
2. Khu du lịch văn hoá lịch sử thành nhà Hồ - Lam Kinh và phụ cận -- Du lịch văn hoá, tham quan nghiên cứu -- 150 (2008 – 2020)
3. Khu du lịch quốc gia Hàm Rồng -- Du lịch tổng hợp -- 120 (2008 – 2020)
4. Khu du lịch biển Hải Tiến -- Du lịch nghỉ dưỡng biển -- 80 (2008 – 2020)
5. Khu du lịch sinh thái Bến En -- Du lịch sinh thái, tham quan --30 (2008 – 2015)
6. Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng -- 20 (2008 – 2015)
7. Khu du lịch động Từ Thức và phụ cận -- Du lịch tham quan, sinh thái – văn hóa -- 10 (2008 – 2015)
8. Khu du lịch động Tiên Sơn -- Du lịch tham quan -- 5 (2008 – 2015)
9. Khu du lịch biển Hải Hoà -- Du lịch nghỉ dưỡng biển -- 50 (2008 – 2020)
10. Khu du lịch sinh thái Cẩm Lương -- Du lịch tham quan, văn hóa -sinh thái -- 5 (2008 – 2015)
11. Khu du lịch Cửa Đạt – Xuân Liên -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ -- 20 (2008 – 2015)
12. Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo -- 100 (2010 – 2020)
13. Khu du lịch sinh thái Pù Luông -- Du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu -- 5 (2008 – 2015)
14. Khu du lịch sinh thái Pù Hu -- Du lịch sinh thái, tham quan nghiên cứu -- 5 (2008 – 2015)
15. Điểm du lịch thác Ma Hao -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần -- 2 (2008 – 2015)
16. Điểm du lịch thác Muốn -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần -- 2 (2008 – 2015)
17. Điểm du lịch hồ Pha Dây -- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần -- 2 (2008 – 2015)
18. Làng văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa -- Du lịch văn hóa, tham quan nghiên cứu -- 10 (2010 - 2015)
19. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch -- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành -- 5 (2008 – 2020)
20. Đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa danh du lịch -- Điều kiện tiếp cận dễ dàng, môi trường trong sạch -- 50 (2005 – 2015)
21.Trạm dừng chân du lịch -- Trạm dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh -- 5 (2010 – 2015)
22. Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển và điều phối du lịch -- Thông tin tổng hợp về đầu tư phát triển du lịch -- 10 (2008 – 2010)
23. Phục hồi các làng nghề truyền thống -- Du lịch tham quan, văn hoá -- 20 (2010 – 2020)
24. Đầu tư hệ thống xử lý môi trường -- Bảo vệ môi trường cho khu điểm du lịch -- 30 (2008 – 2020)

TỔNG CỘNG : 936 triệu USD
 

nemchua

Thành viên
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch :
4.1. Giải pháp về tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách
+ Kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý du lịch, quản lý tài nguyên du lịch trên địa bàn của cấp huyện tương ứng với chức năng nhiệm vụ của một ngành kinh tế quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý về du lịch.
+ Trên cơ sở những định hướng về tổ chức không gian phát triển du lịch, xúc tiến thực hiện các dự án quy hoạch chi tiết ở những khu, điểm du lịch trọng điểm; đối với những khu, điểm du lịch đã có quy hoạch phù hợp, được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần xem xét tiến hành nhanh các dự án đầu tư cụ thể; coi trọng công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
+ Thực hiện quản lý chặt chẽ lãnh thổ được quy hoạch; thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa du lịch trên địa bàn với du lịch các địa phương vùng phụ cận, nhằm tạo ra được những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch địa bàn và các tỉnh trong vùng.
+ Xây dựng kế hoạch chỉ đạo với các giải pháp cụ thể để giữ gìn trật tự và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch theo đúng tinh thần Chỉ thị 07, ngày 30 tháng 3 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ; có quy định chặt chẽ đối với các chủ phương tiện vận chuyển để đảm bảo an toàn cho khách; thực hiện xử lý nghiêm đối với hành vi chặt phá cây cối, phá đá, lấn chiếm xây dựng trong chỉ giới bảo vệ của khu du lịch để giữ gìn cảnh quan môi trường...
+ Trên cơ sở Luật khuyến khích và ưu đãi đầu tư của nhà nước, tình hình thực tế của địa phương để ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm ưu tiên đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch; xác định các thị trường khách du lịch chính của tỉnh trong thời gian trước mắt cũng như về lâu dài, từ đó có chính sách phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các thị trường đó. Chú trọng liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Ninh Bình để tăng cường thu hút khách du lịch; mở rộng và phát triển thị trường khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Lào và thị trường khách quốc tế từ các nước khác thông qua Trung Quốc, Lào nối tour sang Việt Nam.
4.2. Các giải pháp về vốn và đầu tư :
+ Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, vốn ngân sách từ nguồn đầu tư cho hạ tầng cơ sở du lịch hàng năm được ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng như: giao thông, đường điện, cấp thoát nước. Khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ; phần vốn thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ do doanh nghiệp, nhà đầu tư huy động từ vốn chủ sở hữu, liên doanh, liên kết, vốn tín dụng ngân hàng và từ các hình thức huy động khác; thực hiện tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, sớm cung cấp sản phẩm cho thị trường, phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
+ Vốn đầu tư vào bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử hàng năm được tập trung cho nhiệm vụ chống xuống cấp và tôn tạo các di tích VH-LS đã được xếp hạng. Ngoài ra vốn ngân sách còn hỗ trợ cho cho một số lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch. Việc đầu tư cần tập trung, đồng bộ có trọng điểm vào các điểm di tích chủ đạo đã được quy hoạch.
+ Vốn lồng ghép các chương trình:
Lồng ghép các chương trình phát triển du lịch với các chương trình phát triển các ngành khác có liên quan đến hoạt động du lịch như: các chương trình phát triển giao thông nông thôn gắn với phát triển các hệ thống hạ tầng phát triển du lịch; các chương trình về môi trường gắn với chương trình bảo tồn, tôn tạo các tài nguyên và môi trường du lịch; các chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển du lịch làng nghề.
4.3. Giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao:
+ Tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên du lịch đặc trưng của từng địa phương, thực hiện điều tra, đánh giá về hiện trạng của sản phẩm du lịch (chất lượng, số lượng, khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách), những tiềm năng tạo sản phẩm còn chưa được khai thác để từ đó có kế hoạch xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
+ Ban hành các quy định cụ thể về tiện nghi và chất lượng dịch vụ, thường xuyên tiến hành kiểm tra để đảm bảo chất lượng các sản phẩm, dịch vụ không bị xuống cấp hoặc không đạt tiêu chuẩn phục vụ của ngành du lịch.
4.4. Các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch.
+ Xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hàng năm theo chuyên đề, gắn với xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thanh Hóa để xúc tiến quảng bá về du lịch Thanh Hoá ra các thị trường du lịch trong và ngoài nước.
+ Thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, quảng bá về những sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội truyền thống sẽ diễn ra hàng năm trên địa bàn tỉnh; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá sự kiện, phát động thị trường theo chuyên đề; tổ chức và tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch để giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương.
+ Tăng cường chất lượng hiệu quả hoạt động của trang Website về du lịch Thanh Hoá trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
4.5. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
+ Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch.
+ Xã hội hoá công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du
khách về văn hoá du lịch; hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực
tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch.
4.6. Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường:
+ Tổ chức học tâp và triển khai các văn bản pháp quy về quản lý tài nguyên môi trường. Có chính sách ưu đãi trong việc huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ, tôn tạo nâng cao chất lượng môi trường du lịch. Thường xuyên theo dõi biến động để có những giải pháp kịp thời phối hợp cùng các ban, ngành và địa phương liên quan khắc phục sự cố, tình trạng xuống cấp về tài nguyên và môi trường du lịch.
+ Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá và phân loại tài nguyên du lịch, xây dựng tiêu chuẩn môi trường du lịch, trên cơ sở đó, thực thiện rà soát đánh giá, kiểm kê và phân hạng tài nguyên du lịch về tiềm năng giá trị và yêu cầu đối với việc bảo tồn phát triển tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.
+ Phát triển các chương trình giáo dục toàn dân và giáo dục trong các trường học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Có thể lồng ghép đào tạo và giáo dục về tài nguyên và môi trường du lịch (cả tự nhiên và xã hội) trong chương trình giảng dạy của các trường phổ thông của huyện, cũng như giáo dục nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương.
 

Facebook Comment

Người đăng Chủ đề tương tự Forum Trả lời Ngày
Phong Kham 400 Y tế - Sức khỏe 0

Chủ đề tương tự

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top