Nhật ký đi rừng Pù Hu - Thanh Hóa

panoramioth

Moderator
(Umovehd - Otofun) Đây là chuyến "đi rừng" được coi là để đời của tôi, khác với tất cả những chuyến đi khác mà tôi đã từng đi.
Phần 1: Khởi động

Quyết định thực sự được đưa ra chỉ hơn 1 tuần trước chuyến đi, vì chưa bao giờ được đi rừng, vì cái danh là thành viên của nhóm đầu tiên đến Pù Hu (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Thanh Hóa) đặt nền móng cho du lịch nơi đây khá hấp dẫn nên tôi vào đặt gạch và sắp xếp công việc cho chuyến đi, và không quên xí trước xế để không bị sắp xếp bị động.

Gần đến ngày đi, danh sách đăng ký 12 người chỉ còn 6 người chắc chắn, tôi lo lắng hỏi về khả năng hủy chuyến đi. Câu trả lời là chờ quyết định của anh Kiên, nhưng rồi cuối cùng chốt lại là vẫn cứ đi dù còn bao nhiêu người. Số 6 luôn là số may mắn của tôi và tôi lại là nữ duy nhất nữa chứ, cảm giác đây sẽ là chuyến đi hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Công việc bận rộn đến mức 3h chiều hôm trước khi đi, tôi mới có thời gian qua Umove mượn đệm và túi ngủ, định sẽ đi 1 vòng mua mấy thứ chuẩn bị cho chuyến đi. May gặp Abela – 1 người chị có nhiều kinh nghiệm đi xa - tôi biết thêm 1 cơ số thứ cần mua, hơi lo chút, vì không muốn thiếu bất cứ thứ gì, không muốn vì là nữ mà làm ảnh hưởng đến cả đoàn ở bất kỳ đâu.

Phần 2: Lên đường.

7h tập trung mà 7h kém 10 có mặt chưa thấy ai, tự nhiên lo chuyến này chỉ phượt được đến… 111 Láng Hạ rồi về. Ăn xong bát phở ra mới thấy mọi người đang ngồi bên quán café ngay cạnh. Đoàn gồm: Kieenatv, Chiến Umove, Đạt béo, bác Sơn Đặng, mình và 1 người chưa từng gặp là anh Thắng bên Active Travel. Chỉ có bác Sơn là có ôm, còn lại là 4 con ngựa sắt không lái phụ.

Em chiến mã thân yêu.
8h mới bắt đầu rời Hà Nội, thẳng hướng Xuân Mai rẽ đường Hồ Chí Minh đi Cẩm Thủy - Quan Hóa - Pù Hu. Lần thứ 3 đi đường Hồ Chí Minh, cảm xúc của mình về con đường này vẫn nguyên vẹn thế: thích những ruộng mía, ruộng ngô, sắn bao la bát ngát, thích những đoạn rào dây như hàng rào nông trại, thích những hàng cột điện cao thế như những chàng khổng lồ vươn những cánh tay dài nắm lấy nhau…

Mỗi mình 1 ngựa, đơn thương độc mã.
11h30 đoàn còn cách Quan Hóa 30km, ai cũng đói và mệt nhưng vẫn cố chạy đến Quan Hóa - điểm hẹn đón đoàn của anh bạn người Đức kia. Xe lao đi trên đường làng mà tốc độ thường xuyên là 50-60 km/h, ai bị tụt lại là phải đuổi theo với tốc độ khoảng 70-80 km/h mới kịp. Tâm lý đuổi theo khiến bất cứ ai cũng dễ mắc sai lầm, và TAI NẠN ĐẦU TIÊN đã sớm xuất hiện khi chỉ còn cách điểm hẹn khoảng 10km. Không thấy xe Đạt Béo đâu, cả đoàn quyết định dứng lại để chờ, cuối cùng cũng thấy xe nhưng người thì rách đầu gối quần bò, để lộ ra cái đầu gối đỏ máu như miếng thịt bò vừa mổ, nhìn phát sợ, thế mà kêu không đau. May mà chỉ là xạt ngoài da nên không có nhiều máu chảy, băng bó tạm để đến Quan Hóa xử lý lại, chúng tôi lại lên đường.


Ông Georg.

1h chiều, đoàn đến Quan Hóa, ông Georg đã chờ sẵn ở đó từ lúc nào, bắt tay từng người chào đón. Tôi xuống xe, balo vẫn khoác trên vai, bỏ mũ và khăn ra, ông ngạc nhiên bắt tay tôi và nói rằng thât tuyệt khi có 1 cô gái tham gia chuyến đi này. Bữa cơm đầu tiên ngon lành nhưng phải kết thúc nhanh để vào rừng cho kịp. Mùa này trời tối nhanh lắm. Đường từ đây vào bản phải gửi xe máy để đi bộ. Ông Georg cùng 1 anh bên trạm kiểm lâm Pù Hu sẽ đưa chúng tôi vào đó rồi mới chia tay, để chúng tôi tự khám phá. Con đường từ đây hẻo lánh và xấu dần, quanh co theo dòng sông Mã. Cảnh đẹp nhưng vì chạy đuổi thời gian nên không chụp ảnh được mấy.

Thay dép, chuẩn bị lội suối.
3h đoàn đến bản. Tại đây, anh Cường, anh Vinh kiểm lâm đã chờ sẵn cùng 3 người bản địa sẵn sàng cùng chúng tôi vào rừng. Anh Cường - trưởng phòng du lịch bảo tồn thuộc trạm kiểm lâm Pù Hu - giới thiệu đây là Bản Khoang và con suối chúng tôi sắp phải băng qua là Suối Tôn. Muốn đến được nơi hạ trại phải đi dọc suối 500m và đi khoảng 2 tiếng đường rừng, trong đó đã có vài anh em vào chuẩn bị dựng trại từ hôm trước. Chúng tôi gửi xe, khoác ba lô lên vai, thay giầy bằng đôi dép rọ mua ở Quan Hóa để lội suối.
Phần 3: Nhật ký đi rừng - Ngày thứ 1

Chuyến đi này, do đã được cảnh báo về khu rừng chưa được khai phá, về vắt và đợt gió mùa sắp về nên hành trang của tôi được chuẩn bị khá kỹ, đầy đủ nhưng tối thiểu để có thể tự mang được khi đi rừng. Chuẩn bị cả tâm lý tự lập, không được để ảnh hưởng đến đoàn.

SAI LẦM ĐẦU TIÊN:

Bắt đầu đi vào rừng, biết không còn đoạn nào qua suối nữa, chúng tôi thay giầy để đi cho dễ và an toàn hơn với vắt. 3 người để lại dép rọ ở 1 bụi luồng, rồi nhanh chóng nhận ra sai lầm đó, không có dép thì rửa chân như thế nào? Mai đi suối băng rừng thế nào… nhưng không thể quay lại. Thôi, mai rồi tính.

TAI NẠN THỨ 2:

Mới vào rừng, ai cũng háo hức, vừa đi nhanh cho kịp khi trời còn sáng, nhưng cũng không quên lăm lăm máy ảnh để ghi lại hình ảnh trên đường đi. Qua suối 1 đoạn thì chỉ nghe thấy tiếng soạt – 1 người bị bước hụt xuống sườn núi, 2 tay vẫn trong tư thế cầm máy ảnh, bảo vệ máy còn hơn bản thân mình. Định thần lại mới nhận ra là anh Kiên, may mà trượt được 2m thì chân anh chạm được vào gốc cây dừng lại được. Anh đưa máy ảnh lên trước rồi bò lên khỏi vực.

Cả nhóm được 1 phen thót tim và tự bảo mình phải cẩn thận hơn với mỗi bước đi khi đường đi vẫn là những con đường mòn của kiểm lâm mở để đi tuần rừng, chỉ đủ 1 bàn chân, thoai thoải về phía vực với những gốc luồng khô chết gãy đâm lên tua tủa.

Đường vào dẫn chúng tôi đi qua sườn núi này đến sườn núi khác, mặt đất tối mờ vì những tán luồng và cây rừng che hết cả bầu trời. Đối với các anh kiểm lâm, rừng xanh tươi tốt mới là đẹp. Còn với chúng tôi, điều thực sự thu hút là quang cảnh rừng luồng mùa chết khô đổ rạp ngang đầu, lộn xộn, mở ra những góc trời để ánh sáng chiếu xuống nền rừng vàng suộm.

Suối. Con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên.


Lội qua suối, phải đeo dép rọ để chống trơn, và nhất là đỡ ghê chân.​


Những con đường mòn...



Lăm lăm máy ảnh trong tay.

Suối... và rừng...




Cuối cùng cũng đến đích.

Lán ngủ.
(chia sẻ của thành viên Umovehd - diễn đàn Otofun)
 

panoramioth

Moderator
Nghĩ đến phải quay về đường cũ, phải chân đất lội nước suối rét buốt như vừa đổ từ tủ lạnh ra ai cũng oải. Chúng tôi đề nghị chọn đường khác không phải lội suối.

Bữa tối tuyệt vời.

Bát và đũa đều được làm từ luồng.


Rừng luồng đổ rạp, vàng suộm...

Nhật ký đi rừng - Ngày thứ 2.

6h30 sáng, mọi người lần lượt tỉnh giấc vì tiếng lều bên cạnh dậy chuẩn bị bữa sáng. Chúng tôi ra suối rửa mặt, ăn sáng, chuẩn bị những đồ cần thiết nhất để mang theo. Nghe nói lịch trình hôm nay đi chỉ khoảng 3h đồng hồ sau đó quay lại trại ăn trưa nên mọi người chỉ mang theo ít đồ ăn vặt. Nước thì hết từ hôm qua nên xác định là uống nước suối. Tôi hơi lo vì không có dép, đi chân đất lội suối rất dễ bị trơn ngã. May anh Kiên đã nhường cho tôi và nó đã giúp ích rất nhiều trên cả đường rừng.

Thiền.
Tiếc là chân của Đạt béo không cho phép anh tham gia ngày thứ 2 nên đành vác đệm xuống bờ đá thưởng trà trong khi chờ đoàn đi về.

8h30 xuất phát, 6 người chỉ còn lại 5, cộng với 2 anh kiểm lâm và anh Mơ dẫn đường. Lịch trình 3 tiếng chắc là tính theo tốc độ của mấy anh kiểm lâm. Còn với chúng tôi, 3 tiếng mới đi hết nửa hành trình đến thác xa nhất có thể. Trên đường đi, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu cây, hoa lạ, các máy ảnh được thỏa sức bấm, chắc cũng được cả 1 album đồ sộ về thực vật rừng Pù Hu. Đường đi thì đẹp nhưng khó gấp nhiều lần hôm trước. Tôi không nhớ nổi là mình bao nhiêu lần lên, xuống núi, bao nhiêu lần lội qua suối, lúc đó chỉ còn sự tập trung nhìn bước chân người đi trước để theo cho kịp.

Buổi sáng bên bờ suối.
Thỉnh thoảng, cả đoàn dừng lại chụp ảnh hoặc nghỉ ngơi tôi mới dám ngóc lên quan sát cảnh vật xung quanh. Đúng là rừng luồng, đi đến đâu cũng thấy luồng, và ứng dụng của luồng thì nhiều vô kể. Từ những vật dụng hàng ngày: bát, đũa, cốc, ống cơm lam, ống nước, ống điếu làm tại chỗ, con chim đan đơn giản đến dựng nhà cửa lán trại… Ở Pù Hu này, diện tích đất để làm ruộng rất ít, nguồn thu chủ yếu của người dân là vào rừng chặt luồng bán với giá rẻ mạt. Mùa luồng là vào khoảng tháng 8. Trong 1 năm, cây luồng từ măng có thể đạt đến chiều cao tối đa, sau đó ra hoa rồi chết. Thời điểm chúng tôi đến là mùa luồng chết nên mới có cảnh tượng luồng khô vàng, đổ rạp hàng loạt tạo nên quang cảnh tuyệt vời mà chỉ đến Pù Hu mới thấy được.
Bắt đầu đi rừng.


Qua suối.
Đoạn này như trong phim "Thập diện mai phục".


1h30, chúng tôi đến thác mà dân ở đây gọi là thác Sơn Dương, tương truyền ngày xưa thác này có 1 con sơn dương ngã xuống chết, từ đó thác được lấy tên như vậy. Không còn hi vọng về trại kịp ăn trưa, chúng tôi huy động toàn bộ thức ăn mang theo, ăn tạm cho đỡ đói và có sức quay về. Đường về sẽ đi đường khác ngắn hơn, khoảng 2 tiếng là về đến nơi. Chúng tôi ăn nhanh rồi lên đường luôn để về cho kịp. Lại leo lên, leo xuống, lại băng suối. Có những đoạn tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của các anh trong đoàn vì dốc quá, khó leo bám quá, và nhất là chân ngắn lại càng khó. May mắn nhất là không bị em vắt nào hỏi thăm.

TAI NẠN THỨ 3: Lúc qua suối, bác Sơn bị trượt chân, nghe 1 tiếng “Choét"” máy ảnh đập xuống đá, có thứ gì đó bị vỡ… may chỉ bị ống UV bên ngoài cỡ vài chục đô gì đó, máy và len vẫn an toàn.

Tôi cũng gặp chút tai nạn nhỏ, khi gối đã mỏi, chân đã chùn đến mức chỉ nhấc chân bước theo quán tính, chẳng còn thiết tha gì chụp ảnh hay ngắm hoa cỏ gì nữa thì bị bước hụt, may mà chỗ đó không phải bờ vực. Anh Thắng đỡ tôi dậy, động viên: “Cố lên em”, tôi lại đứng dậy bước tiếp những bước mệt nhoài.

Cuối cùng cũng về đến nơi, cảm giác các khớp cứng đờ, đau đớn. May có đội hậu cần ở nhà chuẩn bị sẵn mọi thứ chỉ chờ chúng tôi về là dọn lên ăn được. Chúng tôi lao vào ăn trưa kèm ăn tối lúc 5h, trời chưa tối hẳn. Lại là 1 bữa tiệc giữa chốn thiên đường, chỉ có giò thủ, gà leo núi, trứng rán, lạc rang nhưng sao chúng tôi ăn ngon đến lạ thường vậy nhỉ. Vừa ăn vừa nghe các anh bàn sáng mai sẽ cho chúng tôi thưởng thức cơm lam trong ống luồng, hấp dẫn quá. Chỉ tiếc ngày thứ 2 trôi đi nhanh quá, mai chúng tôi đã phải thu dọn để ra khỏi rừng rồi. Ăn xong lại về lều ngồi, chính xác là ngồi chờ cho muộn 1 chút không 12h lại thức dậy lang thang thì khổ. Chờ mãi mới đến 7h, rồi 8h, vài người đi ngủ rồi lại không cam tâm, lại dậy ra hóng chuyện, mãi đến 9h tôi đề nghị đi ngủ, lúc đó mọi người mới ngủ theo.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi.


Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Nhật ký đi rừng - Ngày thứ 3: Đường về.

Vẫn 6h30 dậy nhưng không háo hức như sáng qua vì biết hôm nay ăn sáng xong là phải đi về. Nghĩ đến phải quay về đường cũ, phải chân đất lội nước suối rét buốt như vừa đổ từ tủ lạnh ra ai cũng oải. Chúng tôi đề nghị chọn đường khác không phải lội suối.

Cơm lam nướng tại chỗ.



Lần cuối ngắm nhìn bộ bát đũa đáng yêu...
SAI LẦM THỨ 2: Đường không phải lội suối nhưng phải vượt qua những quả núi cao hơn gấp nhiều lần, dựng đứng và dốc gấp nhiều lần. Sau 2 ngày đã hết sức, chân rã rời khiến tôi phải đấu tranh vượt qua chính mình nhiều hơn bao giờ hết.Có những đoạn dốc đứng đến nỗi tôi bò như đứng, chỉ muốn dừng lại, bỏ cuộc nhưng rồi lại tự bảo mình phải cố lên, cố lên nữa.

Lên đến đỉnh ngọn núi đó mới có sóng điện thoại, thảo nào cao thế, tôi nản chả muốn gọi cho ai vào lúc này nữa, chỉ uống vội ly nước các anh trong đoàn xin được của người dân chia sẻ cho tôi, rồi cả đoàn lại đi tiếp. Anh Mơ hôm nay dẫn đoàn đi theo con đường có nhiều nhà dân hơn, xuống hết quả núi cuối cùng là đến ngay ngôi nhà chúng tôi gửi xe lúc đầu. Lúc nhận ra điều đó, hình như trong đôi mắt mọi người, ai cũng ánh lên niềm vui vì đã vượt qua hết được những thử thách của chuyến đi lần này rồi. Đường về hứa hẹn rất suôn sẻ vì chúng tôi chọn đi đường qua Mai Châu, qua đèo BaKhan thăm lại chốn xưa rồi xuôi đường Hồ Chí Minh rẽ Tế Tiêu về Hà Nội. Chúng tôi gặp lại ông Gogre cùng vợ đón chào đoàn trở về. Chúng tôi nghỉ ngơi, uống nước rồi lại lên đường ngay, không quên ghé thăm trạm kiểm lâm theo lời mời.

11h tạm biệt Pù Hu, tạm biệt những con người nồng hậu, chúng tôi trở về, mang trong lòng mỗi người bao cảm xúc. Ăn trưa ở ngã 3 Mai Châu trước khi đi vào đường Khúc Sạn - Ba Khan, rẽ qua thăm 1 người bạn của anh Kiên, anh Chiến, chủ một mảnh đất rộng mênh mông với nhà sàn bên hồ thủy điện Hòa Bình, từ đây có thể nhìn thấy đúng đoạn đèo BaKhan xưa. “Ơ, BaKhan kìa, nó vẫn thế nhỉ!” - cảm xúc và kỷ niệm ùa về khiến tôi thốt lên. Đoàn 6 người trên 5 con chiến mã lại lên đường, qua BaKhan, chụp mấy tấm ảnh để về khoe. Đi hết QL6 cũ, chúng tôi quyết định rẽ đường tắt ra đường Hồ Chí Minh đi cho nhanh, tránh đoạn Hòa Bình đang làm đường.

SAI LẦM THỨ 3: Đoạn rẽ ghi 4km nhưng chắc bị xóa mất số 0. 40km đường Offroad không thể xấu hơn, lồi lõm, bụi mù, toàn xe tải...

Bụi mù và khủng khiếp...
Đến Vân Đình, chúng tôi mới phát hiện lạc mất xe anh Thắng, gọi điện thì thấy bảo còn cách Xuân Mai vài km nữa thôi, không ai dám nói đoàn dừng ăn vịt ở Vân Đình, đành bảo anh đi tiếp đi, chia tay từ đây. Đến đây coi như đã về gần nhà, ăn xong chắc trong đầu mọi người chỉ còn nước nóng vòi hoa sen và cái giường quen thuộc thôi. 4 xe lên đường, cũng không biết chia tay từ đoạn nào.

TAI NẠN THỨ 4: Xe anh Kiên bị hỏng ngay khi vừa ra khỏi quán vịt, chắc là hậu quả của 40km đường xóc. Hôm sau nghe anh kể thế, còn tối đó, chỉ biết là khi tôi tắm rửa xong tươm tất, lên giường chuẩn bị đi ngủ, nhắn tin chúc mọi người ngủ ngon thì anh bảo vừa về đến cổng nhà.

Kết thúc chuyến đi tuyệt vời với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều thử thách, để cuối cùng nhận ra rằng, khả năng của con người là vô hạn.
(chia sẻ của thành viên Umovehd - diễn đàn Otofun)
 

Facebook Comment

Chủ đề được quan tâm nhất

Top