Doanh nhân Trịnh Phương Loan - Công ty cổ phần Dạ Lan

nguoiduatin

Thành viên
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp năm 1983, chị Loan được điều động về làm công tác kinh doanh tại Công ty ăn uống Thanh Hoá. Năm 1992 cơ chế thị trường ngày càng khắc nghiệt khiến cho công ty trải qua giai đoạn hết sức khó khăn trong việc thích nghi với cơ chế mới, nhiều cán bộ nhà nước cũng không vượt qua được cuộc chuyển đổi này. Lúc đó chị Loan là cán bộ trẻ, được lãnh đạo công ty tin tưởng giao nhiệm vụ đảm nhận một cửa hàng đang được cân nhắc nên tiếp tục hoạt động hay giải thể hoặc bán khoán cho thuê.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dạ Lan – Trịnh Phương Loan.

Vượt mọi áp lực
Thời kỳ chị Loan đảm nhận phụ trách cửa hàng (Dạ Lan I ngày nay) đang trong tình cảnh rất “bết bát”.
Về nhân sự, vốn đã thiếu lại còn yếu về mọi mặt; Cơ sở vật chất tuềnh toàng với vài gian nhà cấp bốn xuống cấp, các dụng cụ phục vụ cho kinh doanh thì nghèo nàn. Chỉ cần vài chục người đến ăn uống cùng một lúc là cửa hàng phải đi vay thêm từng két bia để phục vụ khách. Trong khi đó, khách hàng hôm có, hôm không - rất buồn tẻ. Người lao động thì chán nản, vì nhiều tháng vẫn chưa có lương. Mặc dù cửa hàng có diện tích mặt sàn rộng tới 600 mét vuông, nhưng cũng chỉ sử dụng được diện tích nhỏ, phần còn lại cho một đơn vị sản xuất thuê làm kho chứa gạch mộc.
Và tại thời điểm bấy giờ, cái nghề kinh doanh ăn uống của chị Loan còn bị “mặn - nhạt”, thậm chí bị “coi thường” với sự nhìn nhận không tốt của dư luận, đánh giá của xã hội. Do đây là giai đoạn chuyển đổi nên xuất hiện nhiều mô hình tư nhân, một số cá nhân đã lợi dụng ngành này để kinh doanh không lành mạnh, khiến nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với việc kinh doanh của ngành ăn uống. Nhưng sự kỳ thị từ xã hội còn chưa thấm vào đâu so với áp lực của gia đình mà chị Loan phải đón nhận. Gia đình hai bên nội ngoại và ngay cả chồng cũng không hiểu được việc làm của chị và không chấp nhận người phụ nữ đi sớm về khuya, “sáng đi làm thì con chưa dậy, tối đi về thì con đã sâu trong giấc nồng”. Mà nghề của chị còn phải đối mặt với nhiều tầng lớp khách hàng, từ những người thấp cấp cho đến người có địa vị trong xã hội, mỗi người mỗi tính, mỗi người một sở thích. Kinh doanh ăn uống là nghề làm dâu trăm họ, có khi làm tốt người ta chưa ghi nhận.
Gặp nhiều áp lực lớn như vậy nhiều lúc chị cũng nản, muốn bỏ nghề, vì những định kiến, tư tưởng lạc hậu đã phủ nhận niềm đam mê của chị. Nhiều lúc chị cũng phân vân: tại sao phải như vậy? Mình là người có sức khoẻ, trí tuệ tại sao mình không đi tìm những ngành nghề mà xã hội đang tôn vinh mà cứ phải theo đuổi ngành nghề chưa được trọng vọng! Tuy nhiên, chị không hề nao núng với một quan điểm mạnh mẽ: Mình làm là vì tâm huyết, vì công việc chứ có làm gì khuất tất đâu mà sợ. Nếu như mình làm mà không có quan điểm, mục đích rõ ràng thì không thể vượt qua .
Xé rào thành công
Việc đầu tiên chị Loan thực hiện trên cương vị mới – đó là động viên những lao động của cửa hàng đang có tư tưởng bỏ việc với những ngày dài không lương tiếp tục ở lại cùng nhau vượt qua thử thách. Tiếp đến chị tiến hành sắp xếp lại kế hoạch kinh doanh, mở rộng tìm kiếm khách hàng, thu hút thêm những cộng sự và bằng mọi giá phải vực dậy được cửa hàng. Tuy nhiên, theo chị Loan muốn làm được điều này thì phải xây dựng được uy tín cá nhân, uy tín tập thể ngay từ ban đầu. Về phương pháp điều hành phải chắc chắn “làm từ nhỏ đến lớn, làm đến đâu chắc đến đấy”, chứ không làm dàn trải, hiệu quả thấp mà còn gây lãng phí. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng món ăn được đặt lên hàng đầu, để làm sao khách hàng khi đến với Dạ Lan không cảm thấy thất vọng.
Với nghề kinh doanh ăn uống hơi khác biệt so với các ngành nghề khác, vừa là một ngành kinh tế tổng hợp, chứa đựng những tính chất của ngành thương mại, ngành sản xuất thương nghiệp, khoa học nghệ thuật … Do đó, lúc nào chị Loan cũng tự đặt ra cho mình tiêu chí là phải luôn học hỏi để đổi mới phục vụ. Chính vì thực hiện được những tiêu chí như vậy, chỉ trong thời gian ngắn cửa hàng do chị phụ trách đã thu hút được một lượng khách khá đông đảo. Sau thời gian phụ trách cửa hàng, chị Loan đã có bước đột phá đi đầu trong toàn Công ty. Chị tâm sự: để vực dậy được cửa hàng nhiều khi tôi cũng phải vượt rào “tiền trảm hậu tấu” nên nhiều khi bị lãnh đạo chỉ trích là “cầm đèn chạy trước ô tô”. Ví như khi nhà hàng xuống cấp, chị đề xuất cấp trên phải cải tạo, nâng cấp phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai, đề xuất không được duyệt nhưng chị vẫn quyết làm, vì chị là người trực tiếp làm việc với khách hàng nên hiểu khách hàng hơn cấp trên.
Xét về bối cảnh thời kỳ bao cấp thì việc làm của chị là mạo hiểm và táo bạo. Vì lúc đó tư duy của con người còn rất hạn hẹp và trong lúc toàn Công ty đang trong tình trạng thua lỗ, nên nói đến vay mượn thì không hề đơn giản, nếu không có quyết tâm thì không thể làm được. Và thực tế đã chứng minh bằng hiệu quả rất rõ nét, đời sống của công nhân không chỉ được cải thiện, mà còn thu hút thêm nhiều lao động mới vào làm việc, cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn… Theo chị Loan, khi mình có tư tưởng, vạch ra được chiến lược cụ thể, rõ ràng và mang lại hiệu quả thì quan điểm mạnh dạn đổi mới và dám chịu trách nhiệm sẽ chiến thắng.
Bà Trịnh Phương Loan, Chủ Tịch hôi đồng quản trị - Giám Đốc công ty Dạ Lan vinh dự đón nhân giải thưởng Nữ Doanh nhân trí thức thành đạt năm 2013
Đưa ẩm thực xứ Thanh bay xa
Sau 5 năm cổ phần hoá, Dạ Lan đã trở thành điểm ăn uống sầm uất có tiếng trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2005, Công ty quyết định nâng cấp cơ sở Dạ Lan I lên một tầm cao mới, bằng việc xây mới trên diện tích 600 mét vuông nhà hàng 4 tầng hiện đại. Công trình được lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao về thời gian thi công, tính thẩm mỹ hiện đại, đáp ứng một lúc gần 1 nghìn chỗ ngồi. Năm 2010, Công ty đưa vào vận hành cơ sở Dạ Lan II, quy mô 6 tầng, diện tích sàn gần 5 nghìn mét vuông, đạt tiêu chuẩn 3 sao, đáp ứng được trên 1.200 chỗ ngồi.
Hai năm trở lại đây, Dạ Lan không chỉ kinh doanh phát triển tốt về ẩm thực mà còn làm tốt công tác tổ chức sự kiện, đào tạo nghề không chỉ cho doanh nghiệp mà còn ngoài doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không dừng lại ở đó, những năm gần đây Dạ Lan tiếp tục đẩy mạnh sản xuất đồ uống là rượu Nếp cái hoa vàng rất phổ thông nhưng giàu giá trị dinh dưỡng và giữ gìn được bản sắc của dân tộc, một năm sản xuất trên 100 ngàn lít.
Đến nay nhà hàng Dạ Lan có khoảng 500-600 món ăn và luôn được sáng tạo thay đổi, Công ty có cả một hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên môn lo sản phẩm mới. Ngoài các sản phẩm nổi tiếng của các vùng miền, Dạ Lan còn phát huy và phát triển được các món ẩm thực đặc trưng nổi tiếng của Xứ Thanh như Phi Cầu sài tiến vua, gà đồi, xôi Phú Điền, Bánh lá răng bừa, miến cá rô đồng, bánh bao nhân sâm; các món chế biến từ Hải sản như cá khoai, sa lát Thanh Hoá…
Những năm gần đây, Công ty CP Dạ Lan luôn được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa giao nhiệm vụ đại diện cho xứ Thanh tham gia các lễ hội, hội thi văn hóa ẩm thực trong nước và quốc tế, thi tay nghề giỏi luôn đạt được nhiều giải thưởng cao. Công ty đã đạt được phần thưởng xứng đáng: Doanh nghiệp kinh doanh ăn uống duy nhất trong nước nhận giải thưởng “Chất lượng Việt Nam năm 2005 và 2006, 2010”, nhiều Bằng khen Chính phủ, các ngành cho tập thể và cá nhân, được Bộ Thương mại tặng Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành thương mại” 5 năm liền từ 2001 – 2005. Và người đã đưa Ẩm thực Dạ Lan bay cao, bay xa chính là nữ doanh nhân tài ba, Chủ tịch HĐQT, GĐ Trịnh Phương Loan.
 

Facebook Comment

Chủ đề tương tự

Bài viết mới

Chủ đề được quan tâm nhất

Top